BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ SÀI GÒN NĂM 1872
Đây là bản đồ đính kèm theo nghị định thay đổi địa giới thành phố Sài Gòn vào đầu năm 1872. Tuy nhiên, thông tin bản đồ chỉ dừng ở năm 1867 vì chủ yếu để phục vụ xác định ranh giới thành phố. Ngày 23/02/1872, Chuẩn Đô đốc, Thống đốc ban hành nghị định xác định khu vực địa giới của thành phố Sài Gòn.[1] Tổng diện tích thành phố Sài Gòn theo nghị định này là 3,84km2. Tuy nhiên ngay sau đó, chính quyền đã được điều chỉnh bằng nghị định ngày 10/7/1872, đường ranh giới thành phố sẽ dừng lại trên đường Catinat, ở phía trên đường số 29 và tiếp tục đi theo đường này, đến mặt phía tây bắc của nghĩa trang.[2]
Đối chiếu thực địa ngày nay, ranh giới thành phố Sài Gòn cuối cùng vào năm 1872, có ba mặt là nước bao quanh, gồm rạch Bến Nghé, sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè. Phần còn lại phía đất liền được giới hạn theo ngày nay gồm: Từ rạch Bến Nghé tại đầu đường Nguyễn Thái Học, một đường giả tưởng bao quanh Lò Mổ và đi về hướng đông theo đường giả tưởng đến giáp đường Yersin; rẽ trái đi dọc Yersin-Lê Anh Xuân giáp đường Lý Tự Trọng; rẽ trái đi dọc về Ngã Sáu Phù Đổng; rẽ phải theo Cách Mạng Tháng Tám đến giáp Nguyễn Thị Minh Khai; rẽ phải đi dọc đến giáp Phạm Ngọc Thạch; rẽ trái đi dọc theo đến giáp Điện Biên Phủ; rẽ phải đi dọc đến giáp Hai Bà Trưng; rẽ trái đi dọc đến giáp Võ Thị Sáu; rẽ phải đi dọc đến giáp đường một đường giả tưởng nối dài từ Mạc Đĩnh Chi; rẽ phải đi dọc đường giả tưởng-Mạc Đĩnh Chi đến giáp Nguyễn Đình Chiểu; rẽ trái đi dọc đến giáp Nguyễn Bỉnh Khiêm; rẽ phải đi dọc đến giáp Nguyễn Thị Minh Khai; rẽ trái đi dọc đến giáp cầu Thị Nghè. Theo ranh giới vừa xác định, thành phố Sài Gòn vào năm 1872 có diện tích khoảng 3,80km2.
Như vậy, đối chiếu nghị định ngày 10/7/1872, phần điều chỉnh theo nghị định ngày 23/02/1872 chỉ là bỏ block giới hạn bởi 4 tuyến: Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ và Phạm Ngọc Thạch, với tổng diện tích khoảng 3,40ha.
Cũng trong thời gian từ năm 1872 - 1873, tuyến kinh nằm dọc đường Bonnard đã được lấp hoàn toàn. Đồng thời, đoạn kinh nằm dọc đường Pasteur ngày nay cũng được lấp một đoạn đến đường Tôn Thất Thiệp. Đây là giai đoạn thành phố quyết định lấp nhiều tuyến kinh rạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh môi trường và mở rộng đường sá.
