BẢN ĐỒ CẢNG SÀI GÒN ĐO ĐẠC NĂM 1863.
Bản đồ được thực hiện năm 1863 bởi hai kỹ sư hàng hải F. Vidalin (1831-1887) và G. Héraud (1839-1914), theo lệnh của Thống đốc kiêm Chỉ huy trưởng, Phó Đô đốc de La Grandière; được Kho lưu trữ Bản đồ và Hải đồ xuất bản năm 1866. Đây là một trong những bản đồ sớm của hai ông, những người để lại dấu ấn lớn tại Việt Nam với hàng chục bản đồ vẽ khắp Nam Kỳ. Mặc dù tiêu đề là cảng Sài Gòn, nội dung bản đồ còn cho biết nhiều vấn đề về thành phố Bến Nghé đương thời.
Bản đồ thể hiện nội dung chính là cao độ luồng lạch tại khu vực cảng trên sông Sài Gòn và một phần rạch Bến Nghé, kèm theo là thuyết minh về cao độ thủy triều khu vực cảng Sài Gòn năm 1863. Bản đồ còn thể hiện nhiều thông tin liên quan khác như các công trình thuộc hàng hải là cảng thương mại (port de commerce): Ban quản lý cảng thương mại (Direction du port de commerce), hãng vận tải Messageries Impériales,[1] chiến cảng (port de guerre) với Xưởng quân giới (arsenal), Ụ nổi (bassin flottant),[2]… Và đặc biệt, công trình biểu tượng của một hải cảng là cột cờ, giai đoạn này gọi là Observatoire (cột quan sát), do Phó Đô đốc Bonard xây dựng. Đây là tiền thân của cột tín hiệu hay cột cờ Thủ Ngữ ngày nay.
Phần còn lại của bản đồ cho thấy các công sở lúc bấy giờ còn manh mún và bố trí trong từng khu vực nhỏ. Nổi bật là khu vực trung tâm, được giới hạn bởi 4 tuyến đường ngày nay là Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Pasteur và Lý Tự Trọng. Đây là khu vực đầu não của chính quyền người Pháp được thiết lập từ sớm, chính giữa là nơi tọa lạc Quảng trường đồng hồ với tháp đồng hồ (Horloge), dinh Thống đốc (Gouverneur) ở góc tây bắc, Đài quan sát (Observatoire) ở góc đông bắc, kho bạc (trésor) ở góc tây nam và Điện tín (Télégraphe) nằm góc đông nam. Các khu vực còn lại có khu quân sự với trại lính (caserne), trại bộ binh (Infanterie); khu tôn giáo với trường An Nam (collège Annamite), Ste. Enfance; khu bệnh viện (hôpital), khu vườn thú (jardin zoologique),… Lúc này, tòa thành Phụng hay thành tỉnh Gia Định vẫn còn nguyên vẹn trên thực địa dù bị bỏ hoang từ năm 1859 sau vụ nổ của 32 ổ mìn do Thiếu tá công binh Dupré Déroulède chỉ huy thực hiện.
Trong bản đồ này có thể nhận thấy các ý tưởng thiết kế của Coffyn trong đồ án Projet de ville de 500.000 âmes à Saigon (1862). Cụ thể, hệ thống đường sá và kinh rạch được triển khai như đồ án, nổi bật là quảng trường bán nguyệt bên sông Sài Gòn. Các tuyến kinh được bảo tồn, nhiều tuyến được đào mới, làm tăng khả năng lưu thông đường thủy cho Sài Gòn. Nhiều tuyến đường phố mới đã xuất hiện. Tuy nhiên, tên đường lúc này chỉ được đánh số, duy nhất chỉ có đường dọc bờ sông Sài Gòn mang tên Quai du Donai (bến Đồng Nai). Phải đến năm 1865, chính quyền mới đổi tên 22 đường, bến theo Nghị định ngày 01/2/1865; như đường số 1 thành đường Lefèbvre, đường số 2 thành đường Dayot, bến Đồng Nai đổi thành bến Napoléon.
Có thể nói, những thông tin quan trọng trên của bản đồ là tư liệu quý về hiện trạng của đô thị Sài Gòn vào năm 1863, những năm đầu trong quá trình đô thị hóa và hình thành nên một thành phố Sài Gòn hoa lệ về sau.
