BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ CHỢ LỚN NĂM 1902

Đây là bản đồ được sử dụng cho nghị định ngày 01/8/1903 do Thống đốc Nam Kỳ ban hành[1], về việc chia thành phố Chợ Lớn ra thành 9 khu dưới sự giám sát của Khu trưởng, nhận lệnh trực tiếp từ Đốc lý. Bao gồm: Khu 1 nằm giữa rạch Lò Gốm (tức rạch Chợ Lớn, nay đã bị lấp) và Tàu Hủ, phía tây cầu Ba Cẳng; khu 2 nằm ở phía bắc rạch Lò Gốm và phía tây phố Sài Gòn cũ; khu 3 nằm phía đông thành phố; khu 4 nằm phía đông bắc thành phố; khu 5 nằm ven rạch Xóm Củi; khu 6 phía tây bắc thành phố; khu 7 nằm giữa rạch Lò Gốm và Tàu Hủ, phía tây khu 1; khu 8 nằm phía nam rạch Tàu Hủ và phía tây thành phố; khu 9 nằm phía tây bắc rạch Tàu Hủ và phía tây khu 7. Tổng diện tích thành phố vào năm 1903 hơn 10km2.

Trước đó vào năm 1896, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định ngày 16/3/1896 về việc sáp nhập một phần diện tích làng Bình Đông vào thành phố Chợ Lớn.[2] Phần diện tích này được giới hạn bởi rạch Bà Tàng ở phía tây, rạch Bến Nghé ở phía bắc, giao nhau giữa rạch Bà Tàng và rạch Lào ở phía nam, và phía đông giáp nhánh rạch Lào và mốc số 19. Tổng diện tích thành phố sau khi sáp nhập là 1.004ha. Năm 1901, chính quyền sáp nhập thêm hai khoảnh đất thuộc làng Bình Đông,[3] gồm một khoảnh phía nam xưởng Union và một khoảnh phía nam xưởng Kiang-ong-seng.

Đây là một bản đồ rất giá trị, cho biết đô thị Chợ Lớn giai đoạn đầu thế kỷ XX với các làng được nhập từ năm 1879 trở đi. Các vùng ngoại ô Chợ Lớn được quy hoạch và tổ chức xây dựng nhanh, tập trung chính ở khu vực phía đông bắc, là vùng đô thị mới thành lập và lấn sâu vào Đồng Lăng Mộ (Plaine des tombeaux). Đây cũng là giai đoạn những đoạn lũy thuộc Bán Bích Cổ Lũy do tướng Nguyễn Cửu Đàm xây dựng năm 1772 bị phá hủy. Phần còn lại ở phía tây chùa Cây Mai, những đoạn hào và bờ dốc cổ nằm trong khu vực nội ô đô thị Chợ Lớn cũng đang dần bị xâm lấn.

Sự xuất hiện một số tuyến kinh mới cũng được thể hiện trong bản đồ này. Đó là kinh Bonnard, tức kinh Hàng Bàng. Đây là kinh đào nối rạch Quới Đước và rạch Lò Gốm, thực hiện trong hai năm 1889-1893, cùng thời điểm xây dựng vũng thuyền Lanessan (bassin de Lanessan).[4] Ngoài ra, đã xuất hiện kinh Lò Gốm mới (canal de Poteries) nối từ ngã tư Rạch Lạo về ngã ba Rạch Cát, triển khai năm 1895.[5] Các công trình này là một phần lịch sử quan trọng của đô thị Chợ Lớn trong quá khứ.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU