BẢN ĐỒ ĐÔ THÀNH SÀI GÒN (1966), TỶ LỆ 1/25.000
Đây là bản đồ Đô thành Sài Gòn năm 1966 đính kèm Sắc lệnh số 100-SL/NV ngày 15/6/1966. Theo đó, sắc lệnh số 100-SL/NV của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp trung ương quyết định về việc sáp nhập xã An Khánh (quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định) vào địa phận Quận Nhứt, Đô thành Sài Gòn.[1]
Tổng diện tích tự nhiên xã An Khánh khoảng 9,60km2. Sau khi xã này sáp nhập vào Quận Nhứt, tổng diện tích Đô thành Sài Gòn lên gần 69,60km2 (đã kể phần mặt nước kinh rạch). Thực hiện sắc lệnh trên, ngày 05/12/1966, Đặc ủy Hành chánh ban hành nghị định số 243/ĐUHC/NC/NĐ về việc lập phường An Khánh và phường Thủ Thiêm (nguyên là xã An Khánh) thuộc Quận Nhứt, Đô thành Sài Gòn.[2]
Như vậy, lúc này Quận Nhứt được mở rộng thêm 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm nằm hai bên bờ sông Sài Gòn. Tuy vậy, 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm thuộc Quận Nhứt không quá lâu. Ngày 17/01/1967, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương ban hành sắc lệnh số 9-SL/NV về việc thành lập Quận Chín thuộc Đô thành Sài Gòn trên cơ sở hai phường An Khánh và phường Thủ Thiêm vừa nêu.[3] Như vậy, chính thức lúc này Đô thành Sài Gòn có 9 quận.
Trên cơ sở đó, chính quyền tổ chức lập thiết kế dự án đạo lộ và phân khu khu vực An Khánh, Quận Chín vào năm 1968. Đồ án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại nghị định số 771-NĐ/CC-GTVT ngày 22/7/1968.[4] Theo thiết kế được duyệt, An Khánh (Thủ Thiêm) được chia thành 10 khu gồm: I. Khu gia cư; II. Khu tiểu thương; III. Khu hành chánh và doanh thương; IV. Khu văn hóa và giáo dục; V. Khu thoáng địa; VI. Khu kỹ nghệ và kho hàng; VII. Khu lâm viên và giải trí công cộng; VIII. Khu bất trúc tạo; IX. Kinh, hồ đào; X. Đường dây điện Đa Nhim.
Đồ án được Nha Kiến thiết và thiết kế đô thị thực hiện. Mọi chỉ tiêu quy hoạch xây dựng tuân thủ theo các quy định hiện hành và thể hiện qua thuyết minh Chương trình địa dịch và tạo trúc, thuộc đồ án Thiết kế xã An Khánh (Thủ Thiêm), Quận Chín.[5]
