BẢN ĐỒ CHỈNH TRANG KHU RẠCH MIỄU
Đây là hồ sơ thực hiện việc chỉnh trang Rạch Miễu, một khu dân cư nằm bên ngoài Đô thành Sài Gòn vào năm 1970.[1] Mặc dù trực thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định và chỉ giáp với Đô thành Sài gòn nhưng Rạch Miễu là một trường hợp cần nêu để hiểu thêm về tiến trình xây dựng và phát triển thành phố Sài Gòn trong lịch sử.
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, công trình chỉnh trang đã triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên lại không thể thực hiện. Các báo cáo đương thời cho thấy, việc giải tỏa khu Rạch Miễu gặp nhiều khó khăn là nguyên nhân dự án không thể triển khai xây dựng. Đây cũng là một trường hợp điển hình cho công tác chỉnh trang đô thị không thành công của chính quyền trước năm 1975.
Dân số Đô thành Sài Gòn vào năm 1968 là 1.752.283 người chính thức, mật độ lên đến 25.176 người/km2. Trên thực tế, theo chính quyền ước lượng, dân số còn có thể lên trên 2.200.000 người. Những thông tin trên cho thấy đô thị Sài Gòn có mật độ dân số rất cao và thậm chí rơi vào nhóm cao nhất thế giới lúc này.[2] Theo thông tin điều tra năm 1967, tổng số lượng nhà ở Đô thành là 232.680, cho thấy hạ tầng gia cư phục vụ một lượng dân cư khổng lồ còn rất thiếu. Chính vì vậy, Đô thành Sài Gòn phát sinh nhiều vấn đề của đô thị do tình trạng quá tải dân số đô thị và chất lượng thấp kém của hạ tầng đô thị. Do đó, Đô trưởng Sài Gòn đề xuất nhiều giải pháp như chỉnh trang các khu ổ chuột, tái thiết các khu vực bị tàn phá, thiết lập các cư xá; đồng thời nhanh chóng mở rộng ranh giới đô thành. Ngay sát bên, tỉnh Gia Định (ngày nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) cũng đang trên đà đô thị hóa ở các trung tâm đô thị (centres urbains) như Bình Hòa (Bà Chiểu), Phú Nhuận, Thạnh Mỹ An (Thị Nghè) hay Hóc Môn,...
Trước đó vào năm 1939, Chánh Tham biện tỉnh Gia Định ban hành Quyết định ngày 29/12/1939 về việc nâng các làng Bình Hòa Xã, Phú Nhuận, Hanh Thông Xã, Thạnh Mỹ An, Hanh Thông Tây, An Nhơn Xã, Chí Hòa, Phú Thọ và Tân Sơn Nhứt thành trung tâm đô thị (centres urbains).[3] Đây là những đô thị vệ tinh của Sài Gòn-Chợ Lớn. Đến những năm 1970, các trung tâm đô thị như Phú Nhuận, Hóc Môn… là những quận lỵ của các quận thuộc tỉnh Gia Định; thậm chí Bình Hòa còn là tỉnh lỵ Gia Định. Như vậy lúc này Phú Nhuận, Thạnh Mỹ An cùng với Bình Hòa là ba đô thị vệ tinh nằm sát bên Đô thành Sài Gòn, ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt đô thị thủ phủ; do đó, được quan tâm phát triển và chỉnh trang nhằm phát triển đồng bộ với Đô thành Sài Gòn.
Theo hồ sơ chỉnh trang khu Rạch Miễu, công trình nằm ở xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Vị trí công trình nằm bờ bắc rạch Thị Nghè, tại khu vực con rạch nhỏ tên là Rạch Miễu đổ vào rạch Thị Nghè. Khảo sát cho thấy đây là khu vực nằm giữa hai đô thị Phú Nhuận và Bình Hòa, ngăn cách với Đô thành Sài Gòn bởi rạch Thị Nghè. Khu vực này nằm ở chân đồi có cao độ trung bình khá thấp chỉ khoảng 1,0m, tồn tại các khu dân cư khá nhếch nhác, ẩm ướt và cần thiết chỉnh trang. Với những nhận thức đó, chính quyền tổ chức lập hồ sơ thiết kế chỉnh trang khu Rạch Miễu, nhằm đưa khu vực bắt kịp với các đô thị xung quanh và đảm bảo các tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị. Dự án có quy mô khoảng 46ha, được bắt đầu từ rạch Thị Nghè chạy về phía bắc, hai phía đông và tây được xác định nằm giữa hai cây cầu là Cầu Kiệu và Cầu Bông. Công trình có 2 trục đường trung tâm vuông góc nhau, cùng hệ thống đường bao quanh dự án và một số tuyến đường nội bộ phân ô dự án. Trong hai trục chính, có trục chính hướng đông tây gần như trùng với tuyến đường Phan Xích Long ngày nay; trục chính bắc nam xuất phát giáp vào đường Phan Đăng Lưu và đi trên tuyến Hoa Sứ một phần, chạy thẳng về nam, vượt qua rạch Thị Nghè và kết nối với đường Trần Nhật Duật ngày nay.
Có thể nhận xét đây là một dự án chỉnh trang khá đẹp và bài bản, kết nối tốt với bên ngoài theo 4 hướng, đảm bảo thông suốt về mặt giao thông và phù hợp với khu vực hiện trạng. Mặc dù vậy, có thể vì sự khó khăn trong công tác giải tỏa mà dự án lại không thực hiện, bởi vì điều này đã sớm được Tổng Cục gia cư báo cáo với Tổng trưởng Công chánh qua công văn số 967/TCGC/NTT ngày 25/11/1970.[4]
Phải đến những năm sau 2000, dự án Khu dân cư Rạch Miễu mới được chính quyền Thành phố cho phép triển khai xây dựng chỉnh trang. Kết quả thực hiện ngày nay cho thấy, đây là một trong những dự án chỉnh trang thành công nhất của đô thị Sài Gòn, khi nơi đây đã hình thành nên một khu dân cư hiện đại và phát triển đồng bộ với các khu vực xung quanh, tạo dấn ấn tốt với người dân sở tại và du khách.
Như vậy, việc chỉnh trang Khu Rạch Miễu từ năm 1970 gặp thất bại, nhưng đây là những tiền đề và kinh nghiệm quan trọng để việc chỉnh trang được tiếp tục thực hiện sau này.
