BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH HẠT 20 VÀ VÙNG PHỤ CẬN NĂM 1882, TỶ LỆ 1/20.000
Bản đồ địa hình hạt 20 và vùng phụ cận năm 1882, tỷ lệ 1/20.000 là một bản đồ chi tiết về địa hình khu vực hạt 20, một đơn hành chính chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn chưa đầy 8 năm. Ranh giới của hạt 20 cũng chính là tiền đề cho sự thay đổi địa giới thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn sau này.
Ngày 13/12/1880, Thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định thành lập hạt 20.[1] Hạt được chia thành 2 tổng: Tổng phía bắc và tổng phía nam, ngăn cách bởi thành phố Sài Gòn và đường cao từ Sài Gòn đi Chợ Lớn. Tổng phía bắc lấy tên là tổng Bình Chánh Thượng gồm 10 làng: Tân An, Phú Hòa Vạn, Hội An, Chơn Sảng, An Hòa, Phú Hòa Xã, Hiệp Hòa, Xuân Hòa, Phú Thạnh, Hòa Hưng. Tổng phía nam lấy tên là tổng Dương Minh gồm 13 làng: Khánh Hội, Tam Hội, Vĩnh Hội, Thái Bình, Nhơn Hòa, Tân Hòa, Tân Thành, Nhơn Giang, Bình An, Tân Kiểng, Tân Quảng, Tân Châu, Hòa Bình. Tuy vậy, hạt 20 chỉ tồn tại đến năm 1888 thì được giải thể. Cụ thể, ngày 12/01/1888, Toàn quyền Đông Đương ban hành nghị định về việc sáp nhập các hạt thanh tra Thủ Dầu Một, Hà Tiên, Rạch Giá và hạt 20 lần lượt vào Biên Hòa, Châu Đốc và Long Xuyên. Riêng các làng thuộc hạt 20 vốn được tách ra từ hạt Gia Định và Chợ Lớn, thì từ nghị định trên sẽ nhập trở lại các hạt ban đầu.[2]
Nội dung thông tin bản đồ thể hiện địa hình, địa vật của hạt 20 và vùng phụ cận, trong đó ranh giới các làng vào năm 1882 rất chi tiết, có giá trị trong việc nghiên cứu về các khu vực thuộc địa giới Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đó là các khu vực trải dài theo phương bắc nam từ các đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Hòa đến tận Gò Vấp; theo phương đông tây từ các đô thị Chợ Lớn, Sài Gòn, Thị Nghè, Thủ Đức. Các thông tin về đường sá, sông rạch, đình miếu, chùa chiền, bến đò, đồn lũy… rất có giá trị đối với việc tìm hiểu đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn những năm 1880.
