BẢN ĐỒ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN ĐẾN NĂM 2025 (2010)
Bản đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2025 (2010) là tài liệu thành phần thuộc đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
Đến năm 1997, Thành phố Hồ Chí Minh có 17 quận nội thành, tổng diện tích các quận nội thành 440km2 và dân số lên đến 4.056.072 người, đạt mật độ dân số trung bình 9.215người/km2. Mặc dù vậy, một số quận trung tâm có mật độ dân số đặc biệt cao như Quận 3, Quận 4, Quận 5 (đều hơn 50.000người/km2), gây nên tình trạng bất cân xứng về phát triển đô thị, gây áp lực dân số lên hạ tầng đô thị. Năm 2003, trên cơ sở các quận Tân Bình và Bình Chánh, chính quyền thành phố tiếp tục phân chia thành các quận Tân Phú và Bình Tân,[1] đưa tổng số quận nội thành lên 19 đơn vị và các huyện ngoại thành là 5 đơn vị. Quận Bình Tân được lập trên cơ sở tách từ huyện Bình Chánh, Quận Tân Phú được lập trên cơ sở tách từ quận Tân Bình. Ngoài ra, thành lập thị trấn Cần Thạnh là huyện lỵ huyện Cần Giờ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Cần Thạnh.
Giai đoạn này Thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất nhanh, tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ và trở thành một trong những đô thị lớn nhất cả nước với dân số đô thị đã gần vượt qua mốc 5 triệu người, cụ thể là 4.860.400 người[2]. So với tổng lượng dân số đô thị cả nước vào năm 2003 là 20.869.500 người[3], dân cư đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 23,29%. Trước những áp lực về sự tăng trưởng nóng của Thành phố qua hàng năm, mặc dù chỉ mới phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung vào năm 1998, nhưng để phù hợp xu phát triển và những định hướng mới, chính quyền thành phố tiếp tục có những điều chỉnh về mặt quy hoạch đô thị. Nghị quyết số 46/2006/NQ-HĐND ngày 13/7/2006 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025[4] là cơ sở để trình Chính phủ phê duyệt. Điều chỉnh quy hoạch chung với mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTG ngày 06/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung phê duyệt quy hoạch chung cho thấy: - Dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người; dân số nội thành khoảng 7,0 - 7,4 triệu người; dân số ngoại thành khoảng 2,6 - 3,0 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người). - Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 90.000 - 100.000 ha, trong đó khu vực nội thành khoảng 49.000 ha và khu vực ngoại thành khoảng 40.000-50.000 ha.

- Định hướng phát triển không gian thành phố: Khu đô thị trung tâm của thành phố là khu vực nội thành hiện hữu, khu đô thị mới Thủ Thiêm và mở rộng phát triển theo các hướng như sau:
Hướng chính phía Đông: hành lang phát triển là tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị;
Hướng chính phía Nam: hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Hữu Thọ với điều kiện địa chất thuỷ văn đặc biệt, nhiều sông rạch, có khả năng phát triển về quỹ đất đô thị và điều kiện phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; tuân thủ quy định bảo vệ sông rạch, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu thoát nước của thành phố;
Hướng phụ phía Tây - Bắc: hành lang phát triển là tuyến quốc lộ 22 (xa lộ Xuyên Á) với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị;
Hướng phụ phía Tây, Tây - Nam: hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Văn Linh với điều kiện địa chất thuỷ văn không thuận lợi, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị có giới hạn; tuân thủ quy định bảo vệ sông rạch, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu, thoát nước của thành phố.
Đây là cơ sở quan trọng để chính quyền Thành phố tiếp tục phát triển đô thị lớn nhất nước và cũng là chỉ dẫn quan trọng cho đầu tàu kinh tế phát triển đúng hướng. Đến năm 2010, thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 24 quận huyện, trong đó có 19 quận nội thành với tổng số dân 6.060.202 người và mật độ dân cư đô thị trung bình đạt 12.267người/km2. Một số quận nội thành có mật độ dân số rất cao như Quận 3, Quận 4, Quận 5 đều đã hạ dần về mật độ 40.000 người/km2. Mặc dù mật độ dân số vẫn còn rất cao, thậm chí Quận 11 lên đến 45.241 người/km2, nhưng so với trước Thành phố đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng phát triển đúng hướng. Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025 của lần điều chỉnh này, tỷ lệ đã được quy hoạch phù hợp gồm đất ở (705,24km2, 33,65%), đất ngoài dân dụng (273,21km2, 13,04%), đất nông lâm nghiệp (805km2, 38,42%) và đất sông rạch (312,08km2, 14,89%). Tuy nhiên, mật độ sử dụng đất ở trong các quận nội thành còn quá cao và lên đến 66,45%. Chính vì những lý do đó chúng ta có thể thấy, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng chịu những áp lực rất lớn về mặt hạ tầng kỹ thuật khi lượng dân cư vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, tình trạng kẹt xe và ngập nước vẫn ngày càng trầm trọng và khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
TT | Khu vực | Số phường, xã | Diện tích (Km²) | Dân số (người) | Mật độ (người/km²) |
I | Nội thành | 259 | 494 | 6.060.202 | 12.267 |
1 | Quận 1 | 10 | 8 | 187.435 | 23.448 |
2 | Quận 2 | 11 | 50 | 140.621 | 2.827 |
3 | Quận 3 | 14 | 5 | 188.945 | 38.403 |
4 | Quận 4 | 15 | 4 | 183.261 | 43.842 |
5 | Quận 5 | 15 | 4 | 174.154 | 40.785 |
6 | Quận 6 | 14 | 7 | 253.474 | 35.254 |
7 | Quận 7 | 10 | 36 | 274.822 | 7.700 |
8 | Quận 8 | 16 | 19 | 418.961 | 21.844 |
9 | Quận 9 | 13 | 114 | 263.486 | 2.311 |
10 | Quận 10 | 15 | 6 | 232.450 | 40.638 |
11 | Quận 11 | 16 | 5 | 232.536 | 45.241 |
12 | Quận 12 | 12 | 53 | 427.083 | 8.092 |
13 | Quận Gò Vấp | 16 | 20 | 548.145 | 27.768 |
14 | Quận Tân Bình | 15 | 22 | 430.436 | 19.233 |
15 | Quận Tân Phú | 11 | 16 | 407.924 | 25.400 |
16 | Quận Bình Thạnh | 20 | 20 | 470.054 | 22.642 |
17 | Quận Phú Nhuận | 15 | 5 | 175.175 | 35.897 |
18 | Quận Thủ Đức | 12 | 48 | 455.899 | 9.546 |
19 | Quận Bình Tân | 10 | 52 | 595.335 | 11.473 |
II | Ngoại thành | 63 | 1.601 | 1.336.244 | 835 |
20 | Huyện Củ Chi | 21 | 435 | 355.822 | 819 |
21 | Huyện Hóc Môn | 12 | 109 | 358.640 | 3.285 |
22 | Huyện Bình Chánh | 16 | 253 | 447.291 | 1.770 |
23 | Huyện Nhà Bè | 7 | 100 | 103.793 | 1.034 |
24 | Huyện Cần Giờ | 7 | 704 | 70.697 | 100 |
III | Toàn thành phố | 322 | 2.095 | 7.396.446 | 3.531 |
