THƯƠNG CẢNG SÀI GÒN NĂM 1906
Đây là bản vẽ một phần của cảng thương mại Sài Gòn, đoạn từ phần phía bắc giáp chiến cảng về phía nam đến cột cờ Thủ Ngữ. Theo bản vẽ, dọc theo bến Thương mại (quai de Commerce) là hệ thống cầu cảng của thương cảng. Trong đó, cột cờ Thủ Ngữ nằm ở góc ngã ba rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn. Chạy về phía bắc giáp chiến cảng, có các cầu cảng Quảng Đông, Charner, 3 cầu cảng của Công ty Messageries Fluviales và dự kiến xây dựng 2 cầu cảng, một nhằm thay thế cầu cảng thứ 3 của Công ty Messageries Fluviales và một phục vụ các xà lúp ở địa phương. Phía bắc là cầu cảng Rigault de Genouilly. Nối tiếp là 73m kè đá xây. Bản vẽ cũng cho thấy đáy sông Sài Gòn có độ sâu lớn lên đến -11m đến -14m; phần cao độ đáy rạch Bến Nghé ở khu vực giao với sông Sài gòn khá cạn, chỉ ở mức -4 đến -5m.
Cảng Sài Gòn là một cảng lớn, gồm thương cảng (port de commerce) bắt đầu từ phía bắc đầu bến Bạch Đằng ngày nay, chạy về phía nam sông Sài Gòn và chiến cảng (port de guerre) bắt đầu từ đầu bến Bạch Đằng chạy về phía bắc đến giáp rạch Thị Nghè. Ngay cuối năm 1861, Pháp đã quản lý chiến cảng Sài Gòn khi thiết lập quy định quản lý ngày 08/12/1861;[1] sau đó, thương cảng Sài Gòn cũng được ban hành quy định quản lý ngày 15/8/1862.[2] Cũng ở giai đoạn này, cột tín hiệu hay cột quan sát được xây dựng, là tiền thân của cột cờ Thủ Ngữ sau này. Vị trí cột tín hiệu do Phó Đô đốc Bonard xây dựng cho thấy công trình nằm phía đông nam dinh Thống đốc trên đường Impériale, tại góc đường Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng ngày nay. Đây là công trình phục vụ quan sát thời tiết như chính cái tên observatoire, đồng thời cũng giữ chức năng tín hiệu. Tọa độ vị trí cột quan sát theo công bố là 10o46’40”N, 104o23’15”E Paris. Theo Lệnh (Ordonne) ngày 24/12/1862 của Phó Đô đốc Thống đốc, quy định về việc đổ bộ của quân đội từ tàu lên thành phố Sài Gòn dựa vào hiệu lệnh trên cột quan sát đã nêu.
Đến năm 1865, Đại tá hải quân Lejeune cho xây dựng một cột tín hiệu mới ở góc rạch Bến Nghé - sông Sài Gòn. Cột có kết cấu bằng gỗ và được néo chặt bằng hai hệ thống dây cáp ở giữa và ngọn, có nhiệm vụ như một mô tả đương thời: “Ngay khi một con tàu được báo hiệu bằng cột tín hiệu ở Vũng Tàu, số hiệu của nó được treo trên cột tín hiệu ở thương cảng tại Sài Gòn và ngay khi nhìn thấy nó, trưởng cảng đi về phía hạ lưu các ranh giới để chỉ trạm neo đậu và giám sát nó di chuyển”.[3] Sau thời gian dài sử dụng, công trình cột tín hiệu xuống cấp rất nặng và được quyết định đầu tư tại cuộc họp Hội đồng thuộc địa ngày 22/11/1893.[4] Cuối năm 1896, cột tín hiệu được xây dựng lại với kết cấu bằng thép như đã thấy về sau.[5]
