THÀNH Ô MA

Trại Ô Ma là doanh trại lính nằm ở khu vực miếu Hội Đồng, còn gọi là chùa Ao (pagode de Mares). Nguyên trước đây, miếu Hội Đồng có hai cái ao lớn nằm phía trước nên người Pháp gọi là chùa Ao.

Bản đồ Camp des Mares (Trại Ô Ma) thể hiện khu đất quân sự khá lớn nằm dọc đường Nguyễn Trãi ngày nay, ở khu vực giới hạn bởi đường Nguyễn Văn Cừ phía tây nam và đường Cống Quỳnh phía đông bắc. Trong đó, khu doanh trại tập trung ở quãng Citimart về đến gần đường Nguyễn Văn Cừ. Khu vực doanh trại này do quân đội Pháp thiết lập. Doanh trại này vốn là miếu Hội Đồng và đền Hiển Trung bị Pháp cưỡng chiếm giữa năm 1860 để lập phòng tuyến các chùa từ 1860-1861. Bản đồ Les Mares et environs lập năm 1887 cho thấy hai công trình miếu Hội Đồng và đền Hiển Trung nằm trong khu vực quân sự. Theo Lê Quang Định (1806), đi từ thành Gia Định về Chợ Lớn, bắt gặp đền Hiển Trung rồi mới đến miếu Hội Đồng.[1]

Về miếu Hội Đồng và hai cái ao ngập nước phía trước miếu, một mô tả vào năm 1885 của Trương Vĩnh Ký cho biết cụ thể: “Nơi trại lính tập An Nam tọa lạc, xưa là đền thờ danh nhân (tức Hiển Trung tự, thường gọi là miễu Công Thần dùng để thờ những người có công với đất nước). Đền được xây dựng theo lệnh vua Gia Long, đền dành để tưởng nhớ những công thần của ông ta. Chính quyền long trọng làm lễ cúng tế đúng vào thời điểm qui định… Một ngôi đền khác nay bị các sĩ quan cai quản lính tập chiếm đóng, nằm ở phía trước tường rào và giữa hai ao sen tỏa hương thơm ngát cho cả đoạn đường hoàng gia, được xây dưới thời Gia Long và mang tên miễu Hội Đồng hay miễu Thính”[2].

Định vị công trình miếu Hội Đồng nằm ở quãng Cơ quan đại diện phía Nam Bộ Công an. Xa hơn về phía đông bắc là đền Hiển Trung, tương đương vị trí đối diện đầu đường Nguyễn Cư Trinh, nay là Nhà khách Phương Nam.

Giá trị của bản đồ Camp des Mares là cung cấp thông tin xác định chi tiết một số công trình cổ trong lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngoài ra, các nội dung về diện tích và ranh giới khu vực đất quân sự cũng như kích thước các công trình đền miếu cổ đương thời là những tư liệu quan trọng của bản đồ này.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU