BẢN ĐỒ SÀI GÒN VÀ CÁC VÙNG PHỤ CẬN DO DE LARCLAUSE, THIẾU ÚY TRUNG ĐOÀN SỐ 4 HẢI QUÂN VẼ NGÀY 1/3/1859
Đây là một trong những bản đồ sớm nhất của người Pháp vẽ sau khi cưỡng chiếm thành tỉnh Gia Định vào ngày 17/02/1859. Bản đồ này do Thiếu úy De Larclause hoàn thành ngày 01/3/1859 sau khi tiếp quản tòa thành.
Đây là bản đồ tỷ lệ lớn thể hiện chi tiết hiện trạng thành phố Sài Gòn từ sớm, trong đó nổi bật là tòa thành tỉnh Gia Định, còn gọi là thành Phụng, người Pháp gọi là Citadelle de Saigon, tọa lạc phía đông bắc thành Quy và gần rạch Thị Nghè. Thành hoàn thành năm 1837, chiều rộng mỗi cạnh khoảng 475m. Thành tỉnh Gia Định là một tòa thành mang phong cách châu Âu đặc trưng thời vua Minh Mạng, khá đơn giản với dạng hình vuông, mở 4 cửa ở bốn hướng và có 4 pháo đài góc (bastion). Vây quanh là hào nước và bên trong là tường lũy. Vị trí chính xác tòa thành ngày nay được vây quanh bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Bỉnh Khiêm (mặt tiền) - Mạc Đĩnh Chi (mặt hậu) - Nguyễn Đình Chiểu (mặt tả) - Nguyễn Du (mặt hữu).
Kề bên về phía tây nam là dấu tích tòa thành Quy, còn gọi là thành Gia Định được xây dựng năm 1790, bị phá hủy một phần vào năm 1835 và 1836. Trên thực địa năm 1859, thành Quy vẫn còn nhiều dấu tích, đặc biệt hệ thống hào lũy chưa lấp hoàn toàn và 5 vị trí pháo đài bán nguyệt (demilune) vẫn còn rõ nét. Bên trong tòa thành Quy, Trường thi Gia Định (Camp de lettrés) đã được biến thành trại lính (casernes) do liên quân chiếm đóng. Hệ thống đường sá lúc này cũng chưa nhiều nhưng còn đến tận này nay, bao gồm: Một phần các tuyến Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Bỉnh Khiêm; toàn tuyến Nguyễn Huệ cùng tuyến Hàm Nghi và cuối cùng là toàn tuyến Hai Bà Trưng. Riêng tuyến đường Nguyễn Du được bảo tồn đoạn từ đường Hai Bà Trưng đi về phía bắc.
Hệ thống cầu lúc này gồm cầu Thị Nghè (ở vị trí khác ngày nay), cầu Cao Miên hay cầu Bông (nay là cầu Bùi Hữu Nghĩa) và cầu Kiệu. Khu vực rạch Thị Nghè – sông Sài Gòn là Công xưởng đóng thuyền (Chantier de construction de jonques), có thể tác giả muốn thể hiện khu đóng thuyền buồm phía bắc rạch Thị Nghè, bởi phía nam là Xưởng thuyền chiến do chúa Nguyễn lập từ thế kỷ XVIII. Lúc này phố Bến Nghé tập trung khu vực từ đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay trở về phía tây, bố trí nhiều nhất ở khu vực ven sông Sài Gòn đến rạch Bến Nghé, Kinh Lớn (Grand canal), đường Đồng Khởi và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay. Ghi chú còn cho biết khu vực phía tây phố Bến Nghé là Khu phố người Hoa (quartier chinois). Đây là những tiền đề hóa đô thị ở Bến Nghé, để người Pháp về sau xây dựng trở thành một đô thị hàng đầu trong khu vực, một Tiểu Paris ở Phương Đông.
Qua các thông tin vừa khảo sát cho thấy thông tin sớm của tấm bản đồ năm 1859. Có thể nói đây là một trong những tài liệu quan trọng cho đô thị Sài Gòn ở giai đoạn sớm, những dấu vết của người Việt đã để lại tại đồi Tân Khai với hai tòa thành năm 1790 và năm 1837, cùng nhiều tuyến đường cổ, kinh rạch, cầu, công trình xây dựng…
Đó là những nền tảng ban đầu để người Pháp từng bước quy hoạch và xây dựng thành một đô thị Sài Gòn áp dụng kỹ thuật Tây phương nhưng mang nặng hồn cốt Á Đông về sau.
