BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ CHỢ LỚN VÀ CÁC LÀNG SÁP NHẬP (1881)

Đây là một bản đồ dùng để phân loại các khu đất đô thị chia theo khu vực và các khu đất của các xã sáp nhập chịu thuế nông thôn theo nghị định ngày 25/7/1881.[1] Bản chất của nghị định này là thay đổi Điều 1 của nghị định ngày 27/10/1879. Theo đó, phần nội ô với giới hạn đô thị được xác lập năm 1874 (2,61 km2) và phần ngoại ô được tạo bởi 7 làng nhập vào năm 1879 (7 km2) sẽ được thay đổi thành 12 làng.

7 làng sáp nhập vào đô thị Chợ Lớn theo nghị định năm 1879 gồm có An Bình, Minh Phụng, Phú Lâm, Bình Tiên, Bình Tây, Phong Phú và một phần làng Bình Đông. Tuy nhiên, theo nghị định điều chỉnh năm 1881 cho thấy, số làng được nâng lên là 12, gồm: An Đông, Tân Thành, Bình Tây, Long Vĩnh, Ưu Long, An Bình, Minh Phụng, Phú Lâm, Bình Tiên, Bình Tây (phía nam rạch), Phong Phú và một phần làng Bình Đông.

Qua nội dung thể hiện của bản đồ, có thể xác định ranh giới các làng ngoại ô đô thị Chợ Lớn lúc này gồm có các làng cổ: Bình Tây, Phong Phú, Long Vĩnh, Ưu Long, Bình Đông, Bình Tiên, Phú Lâm, Minh Phụng, Tân Thành, An Đông và An Bình. Nghiên cứu ranh giới các làng cổ, có thể xác định được nhiều làng mạc đã mất dấu đến ngày nay. Bản đồ thành phố Chợ Lớn và các làng sáp nhập năm 1881 là tư liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu địa giới xưa ở đô thị Chợ Lớn trong quá khứ.

Bên cạnh đó, hệ thống kinh rạch ở đô thị Chợ Lớn vẫn như trước và chưa có sự thay đổi, bao gồm các tuyến kinh rạch cổ là các rạch Bến Nghé, Lò Gốm (Chợ Lớn), Xóm Củi và kinh Xếp. Ngoài ra, còn có tuyến kinh Nối, còn gọi là kinh Vành đai được đào vào năm 1862 nối rạch Thị Nghè về kinh Lò Gốm.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU