BẢN ĐỒ QUY HOẠCH LIÊN KẾT VÀ MỞ RỘNG SÀI GÒN-CHỢ LỚN (1927), TỶ LỆ 1/25.000
Đây là đồ án quy hoạch nhằm chuẩn bị cho công tác sáp nhập hai đô thị hàng đầu Nam Kỳ là Sài Gòn và Chợ Lớn. Đồ án hoàn thành vào ngày 31/12/1927. Thành phần hồ sơ gồm bộ bản vẽ quy hoạch và thuyết minh dài 32 trang cùng nhiều văn bản của chính quyền. Đây có thể xem là một đồ án quy hoạch điển hình của chính quyền Nam Kỳ thuộc Pháp.
Nội dung thuyết minh cho biết, vào năm 1927, tổng diện tích tự nhiên (chưa kể mặt nước) của hai đô thị Sài Gòn và Chợ Lớn là 49,70 km2. Hai đô thị hiện đang được kết nối bởi 5 tuyến đường, gồm : 1. Tuyến đường Polygone, phần mở rộng của rue Legrand de la Liraye, đi qua phía trước Champ de Courses và băng qua Đồng Lăng Mộ ; 2. Tuyến đường chiến lược, theo đường Chasseloup-Laubat ; 3. Tuyến đường Haute nối tiếp đường Lagrandière ; 4. Đại lộ Galliéni, phần mở rộng của Đại lộ Bonnard, nhưng bị cắt bởi vị trí Ga Sài Gòn ; 5. Tuyến đường Basse trên rạch Bến Nghé, qua bến Belgique.
Bản thuyết minh gồm 2 phần. Phần 1 đánh giá hiện trạng hai thành phố với diện tích, đường công cộng, các trục chính, công viên cây xanh, đường sắt, kinh rạch, cảng thương mại, nhóm tòa nhà hành chính, hàng không… Đây là những thông tin đương thời, cho chúng ta cái nhìn tổng quan về đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn lúc này. Phần 2 là phần thiết kế quy hoạch, trong đó quy mô đô thị được giới hạn bởi tuyến đường Vành đai và sông Sài Gòn. Ngoài ra, phần phía tây thành phố Chợ Lớn nằm ngoài tuyến đường Vành đai cũng được quy hoạch và kết nối liên tục. Nhiều nội dung quy hoạch được nêu rõ quan điểm và cách thức quy hoạch, từ đường sá, bến cảng, khu hành chính, các công sở, kinh rạch… Cuối cùng là phương án thực hiện với những đề xuất ưu tiên nhằm triển khai quy hoạch.
Theo bản vẽ, có thể thấy nội dung một bản quy hoạch vùng với tỷ lệ 1/25.000. Nội dung bản quy hoạch thể hiện 4 nhóm đất đai, gồm: Đất ở đô thị hiện hữu, đất ở đô thị tương lai, đất công nghiệp và đất cây xanh. Trong đó, nổi bật ở phía bắc rạch Bến Nghé - Tàu Hủ là xu hướng phát triển đô thị mới bên cạnh các khu đô thị cũ, phía nam là vùng phát triển công nghiệp. Xen lẫn giữa các loại đất quy hoạch này là các mảng cây xanh lớn, tạo sự cân bằng cho đô thị. Mặc dù vậy, đồ án vẫn không thể khắc phục được mảng cây xanh bị thiếu ở đô thị Chợ Lớn phần đã có. Vì vậy sự bổ sung mảng cây xanh lớn ở khu vực Phú Lâm kế bên cũng đã giúp giải quyết sự thiếu hụt này. Các ý tưởng thiết kế khá hiện đại, vừa giúp đô thị thỏa mãn về phát triển hạ tầng, vừa phù hợp xu thế phát triển công nghiệp cho hai thành phố hàng đầu Nam Kỳ.
