BẢN ĐỒ CÁC KHU VỰC XÂY DỰNG – BẢN ĐỒ KHU SÀI GÒN-CHỢ LỚN, TỶ LỆ 1/10.000

Bản đồ thể hiện các khu vực xây dựng trong Khu Sài Gòn Chợ Lớn (Région de Saigon-Cholon) năm 1931, là thời điểm hai thành phố được sáp nhập làm thành một khu hành chính mới.

Ngày 27/4/1931, Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh về việc hợp nhất Sài Gòn và Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mang tên “Khu Sài Gòn-Chợ Lớn”,[1] với tổng diện tích là 56,16 km2. Đứng đầu là Khu trưởng (L'administrateur de la région) do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Khu trưởng là Chủ tịch Hội đồng quản lý (conseil d'administration) của Khu Sài Gòn-Chợ Lớn, quản lý một phần nhiệm vụ của các Đốc lý Sài Gòn (maire de Saigon) và Chủ tịch Ủy ban hội đồng thành phố Chợ Lớn (président de la commission municipale de Cholon): Vấn đề cảnh sát, đường sá, công trình, vệ sinh đô thị, phân phối điện nước và chiếu sáng.[2]

Cuối năm 1931, chính quyền sáp nhập một phần diện tích làng Chí Hòa (tổng Dương Hòa Thượng) nằm ở phía nam và phía đông kinh Vành đai vào thành phố Sài Gòn theo nghị định ngày 28/11/1931,[3] đưa diện tích thành phố Sài Gòn vào năm 1931 lên 18,75 km2. Đến ngày 14/12/1931, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định quy định việc thi hành nghị định ngày 27/4/1931 về thành lập Khu Sài Gòn-Chợ Lớn.[4] Lúc này tổng quy mô Khu Sài Gòn – Chợ Lớn có diện tích tự nhiên lên đến 60 km2. Mặc dù vậy, chính quyền hội đồng của hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn còn tồn tại đến năm 1941 mới hoàn toàn chấm dứt.

Khảo sát nội dung bản đồ, cho thấy trong ranh giới Khu Sài Gòn-Chợ Lớn, các khu vực xây dựng được phân chia chi tiết từ vùng 1 đến vùng 4. Ngoài ra, địa vật trên bản đồ như sông rạch, các công trình lớn cùng hệ thống giao thông đã xây dựng tại giai đoạn này thể hiện chi tiết. Các thông tin từ bản đồ có giá trị trong công tác nghiên cứu đô thị.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU