SÀI GÒN NĂM 1860
Đây là tác phẩm do Trung sĩ hậu cần Le Faucheur vẽ trong chuyến đi thị sát theo sự chỉ đạo của Đại úy công binh Pleuvier ngày 19/7/1860. Bản đồ mô tả khu vực Gia Định với 3 vùng chính là phố Bến Nghé, phố Sài Gòn và Đại đồn Chí Hòa. Đây là một bản đồ chiến sự khá đặc biệt, thể hiện những thông tin vào giữa năm 1860, giai đoạn tướng Tôn Thất Hiệp đang tổ chức chiến đấu. Lúc này tướng Nguyễn Tri Phương chưa vào Nam Kỳ vì đang chỉ huy mặt trận Đà Nẵng.
Theo nội dung thể hiện, tại phố cổ Bến Nghé mà người Pháp gọi là Sài Gòn, liên quân đã chiếm đóng quanh khu vực góc đông bắc tòa thành Quy. Nổi bật là khu vực Đồn Đất (nay là Bệnh viện Nhi đồng II), Trại cố thủ (Camp retranché) mới được liên quân xây dựng tại vị trí góc đông bắc tòa thành Quy đã bị phế bỏ từ lâu. Liên quân lợi dụng mặt đông bắc và đông nam tòa thành cũ và tuyến rạch kết nối ra sông Sài Gòn, đã xây dựng một trại cố thủ khá lớn. Về phía nam Trại cố thủ là Trại kỵ binh (Cavalerie) và xa hơn nữa là Trại công binh (Génie). Nằm giữa Trại kỵ binh và Trại công binh, đóng dọc theo đường Lê Thánh Tôn ngày nay là Trại lính Tagal Tây Ban Nha. Phía đông Trại lính Tagal là làng Tourane. Khu vực này được liên quân chiếm đóng và lập thành một căn cứ quân sự rất mạnh. Phía tây khu vực tại Trường thi (Camp des lettrés) lúc này đã bỏ trống và không còn là nơi đóng quân. Tại phía nam Trường thi là pháo đài góc đông nam tòa thành cũ, liên quân lập thành một công sự phòng thủ cho khu vực. Xa hơn về phía tây Trường thi là chùa Khải Tường, Pagode de avancée (chùa ở vị trí tiền tiêu), lúc này đã bị liên quân chiếm và hình thành nên phòng tuyến các chùa nổi tiếng (lignes des pagodes).
Về phía phố cổ Sài Gòn mà người Pháp gọi là Chợ Lớn, đó là một chuỗi mô tả làng mạc cùng các công trình nổi bật ở đây, nằm trải dài theo rạch Bến Nghé và Lò Gốm (hay rạch Chợ Lớn, nay đã bị lấp thành đường Hải Thượng Lãn Ông). Nổi bật ở khu phía đông là làng Chợ Quán, nơi tàu lorcha Jacanreo neo đậu bảo vệ. Kế tiếp là khu ngoại ô phố Tàu (faubourg Chinois) nằm giữa phố cổ Sài Gòn và làng Chợ Quán. Kế tiếp là khu phố cổ Sài Gòn, nằm giữa chùa Cây Mai và chùa Kiểng Phước. Cuối cùng là khu vực rạch Tàu Hủ giáp rạch Ruột Ngựa, nơi tàu Le Saint Joseph đang neo đậu bảo vệ. Lệch về phía bắc khu vực vừa kể là các công trình nằm trên phòng tuyến các chùa, gồm chùa Cây Mai (pagode Chinoise), chùa Kiểng Phước (pagode des Chlochetons) và miếu Hội đồng (pagode des Mares), các công trình này có xu thế nằm dọc theo đường Thiên Lý phía nam về Mỹ Tho.
Bản đồ Saigon 1860 mặc dù là một tài liệu được vẽ trực tiếp ngoài chiến trường nhưng chứa đựng những thông tin đương thời giá trị, trong đó nổi bật là hệ thống phòng ngự Đại đồn Chí Hòa ở giai đoạn tướng Tôn Thất Hiệp còn nắm quyền tổng chỉ huy. Đây là những thông tin quý đối với nghiên cứu về đô thị Sài GònChợ Lớn và cuộc chiến chống quân xâm lược ở giai đoạn 1859-1860 và thậm chí về sau.
