BẢN ĐỒ ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ (2025)
Bản đồ định hướng không gian và phát triển đô thị (2025) thuộc đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Đến năm 2020, thành phố tiếp tục có những biến động mới về mặt hành chính khi chính quyền lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ quốc hội, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập các Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức. Đơn vị hành chính mới có diện tích 211,56km2 và dân số 1.013.795 người. Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh có 1 thành phố (Thủ Đức), 16 quận (Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Bình Tân), 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ). Tổng diện tích là 2.095km2 và dân số đạt 9.166.840 người, mật độ dân số đạt 4.375 người/km2.[1] Mật độ dân số đô thị các quận nội thành đạt 20.742 người/km2, các quận có dân số rất cao như Quận 11, Quận 3, Quận 4, Quận 5 đã có xu thế giảm và ở quanh mức 40.000 người/km2. Đây là những chỉ tiêu rất quan trọng cho thấy thành phố đang phát triển đúng hướng và mật độ dân cư đã giảm so với trước. Hạ tầng thành phố đang dần tốt lên với nhiều hệ thống đê bao được xây dựng ngoài thành phố bảo vệ các khu dân cư, hệ thống thoát nước đang dần phát huy hiệu quả chống ngập cho thành phố, các tuyến đường chính trong đô thị đang trở thành những trục trung tâm và kết nối vùng như Đại lộ Võ Văn Kiệt, Xa lộ Hà Nội, Xa lộ Đại Hàn, Đại lộ Phạm Văn Đồng, Đại lộ Mai Chí Thọ, đường Nguyễn Văn Linh,…
Trong tình hình mới hiện nay, đặc biệt là sự xuất hiện đơn vị hành chính thành phố Thủ Đức, cùng nhiều xu thế phát triển mới như các đô thị ở Quận 7, Nhà Bè,… xa hơn là các đô thị ở Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ,… đã đưa Thành phố Hồ Chí Minh vào tình trạng mới, sẵn sàng phát triển các khu đô thị chính và giảm áp lực dân cư vào thành phố. Để phù hợp xu thế phát triển, chính quyền thành phố lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch được phê duyệt theo quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ; với mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Về mặt phát triển đô thị, bao gồm đô thị trung tâm và 06 đô thị trực thuộc, với thành phố Thủ Đức là đô thị loại I và 05 đô thị vệ tinh (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) là đô thị loại III, dân số dự báo đến năm 2030 là 11 triệu người. Đây là cơ sở quan trọng để chính quyền thành phố tiếp tục tập trung phát triển toàn diện các mặt trong tình hình mới, nhằm đưa đô thị Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những đô thị hàng đầu của khu vực và trên thế giới.
Rộng hơn nữa, chính quyền thành phố tiếp tục có cuộc điều chỉnh quy hoạch chung lần thứ 4, theo quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Mặc dù đến nay lần điều chỉnh quy hoạch chung vẫn chưa được phê duyệt, tuy nhiên theo nội dung Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh được dự báo đến năm 2040, có dân số từ 13-14 triệu người và có quy mô đất đai xây dựng đô thị từ 1.000-1.100km2. Đây là những chỉ tiêu dự báo rất lớn và ngày càng đè nặng lên chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về những áp lực phát triển đô thị đang và sắp xảy ra trong tương lai.
Với hai đô thị nhỏ ban đầu nằm ở bên bờ sông rạch ở hai vùng Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay) và Bến Nghé (Sài Gòn ngày nay), theo thời gian, Sài Gòn và Bến Nghé đã dần đổi thành Chợ Lớn và Sài Gòn. Dưới sự quy hoạch xây dựng người Pháp, Sài Gòn – Chợ Lớn dần trở thành một đô thị hàng đầu ở Đông Nam Á, thậm chí đã có lúc Sài Gòn được gọi là Tiểu Paris ở Phương Đông. Sau khi sáp nhập làm một vào năm 1931, Sài Gòn – Chợ Lớn là một thành phố phát triển theo chiều hướng phương Tây nhưng mang đậm hồn cốt Á Đông. Nhiều tuyến phố vuông vức rợp bóng cây xanh, được chiếu sáng bằng đèn dầu rồi đèn điện. Nhiều hệ thống giao thông công cộng từ sớm đã hiện diện ở Sài Gòn-Chợ Lớn, làm nên một đại đô thị sầm uất và náo nhiệt. Các tòa công sở ra đời mang nhiều nét Á Đông nhưng vẫn đầy đủ những tính năng của phương Tây, được gọi là kiến trúc Đông Dương, ngày càng hiện diện khắp Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong giai đoạn Việt Nam Cộng hòa, Đô thành Sài Gòn là thủ đô và là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của miền Nam Việt Nam. Từ ngày đất nước thống nhất năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là một trung tâm hành chính lớn ở Nam Bộ, là đầu tàu kinh tế của cả nước cho tất cả các giai đoạn phát triển. Đến nay đô thị Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một siêu đô thị với hàng chục triệu dân cư, nhiều cao ốc chọc trời bên bờ sông Sài Gòn lộng gió, nhiều tuyến phố đã vài trăm năm tuổi đang vươn mình cùng thành phố bước vào giai đoạn mới, giai đoạn phát triển tầm cao cho một đô thị hàng đầu đất Phương Nam.
