BẢN ĐỒ CÁC LÀNG THUỘC PHẠM VI QUYỀN TÀI PHÁN CỦA CÁC TÒA ÁN SÀI GÒN, TỶ LỆ 1/20.000

Bản đồ thể hiện ranh giới hai thành phố Sài Gòn (với giới hạn địa giới 1876) và Chợ Lớn (với giới hạn địa giới năm 1879). Ngoài ra, tài liệu còn thể hiện ranh giới các làng Chánh Hưng, Khánh Hội và Tân Hòa Xã. Đây là kết quả sáp nhập vào năm 1888, khi xóa bỏ hạt 20. Cụ thể, theo nghị định ngày 02/5/1888, việc sáp nhập các làng diễn ra như sau: Nhập các làng Bình Xuyên, Tứ Xuân, Khánh Bình, Tuy Thạnh, Thạnh Bình, Hưng Phú, An Hòa Đông, Ngũ Phước, Thái Bình, Thái Phúc, Tân Chánh vào làng Chánh Hưng; nhập các làng Thái Bình, Nhơn Hòa, Liên Thành, Tân Lập, Nhơn Giang vào làng Tân Hòa; nhập các làng Tam Hội, Vĩnh Hội vào làng Khánh Hội.[1]

Tiêu đề bản đồ cho thấy, ba làng Tân Hòa Xã, Chánh Hưng và Khánh Hội là các làng thuộc phạm vi quyền tài phán của các tòa án Sài Gòn. Bản đồ thể hiện 3 phần địa giới, gồm thành phố Sài Gòn, thành phố Chợ Lớn và tổng Dương Minh. Phần màu đỏ nhạt là ranh giới tổng Dương Minh hiện tại. Tổng Dương Minh đã sáp nhập tổng Dương Hòa Trung với toàn bộ các làng ban đầu đã hợp nhất với làng Chánh Hưng, cũng như làng Tân Hòa Xã đã nhập toàn bộ các làng đã nêu. Và cuối cùng làng Khánh Hội là kết quả của việc hợp nhất các làng cũ Vĩnh Hội, Khánh Hội, Tam Hội. Theo đó, có thể nhận thấy bản đồ có niên đại sớm nhất là từ 1888. Đây là bản đồ thể hiện các làng cổ xã của tổng Dương Minh và hiện trạng khu vực, có giá trị đối với việc nghiên cứu sâu khu vực này trên nhiều phương diện về phát triển đô thị.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU