BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ SÀI GÒN NĂM 1894
Bản đồ thành phố Sài Gòn năm 1894 thể hiện nội dung sáp nhập phần đất nằm ngoài đô thị Sài Gòn của chính quyền bấy giờ.
Phần đất này được giới hạn bởi đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám) ở phía nam và rạch Avalanche (Thị Nghè) cùng rạch Bùng Binh bao bọc phần còn lại. Theo đó, tổng diện tích đô thị lên đến 7,70km2, trong đó phần diện tích theo ranh giới cũ (1876) là 4,20km2 và diện tích sáp nhập mới là 3,50km2.
Cụ thể hóa đề xuất này, nghị định ngày 12/11/1894 sáp nhập các làng Hòa Mỹ, Phú Hòa và Nam Chơn, Tân Định và một phần làng Xuân Hòa, tổng Bình Chánh Thượng, hạt Gia Định vào thành phố Sài Gòn.[1] Phần sáp nhập này thuộc khu vực phía tây bắc thành phố, nguyên là những làng mới sáp nhập trước đó vào năm 1882.
Như đã biết, ngày 06/02/1882, Thống đốc Nam Kỳ ra quyết định sáp nhập một số làng của hạt 20. Trong đó có nội dung: nhập các làng Bình Yên và Tân Thành lấy tên mới là Liên Thành; nhập các làng An Hòa và Hiệp Hòa lấy tên là Tân Định; nhập các làng Chơn Sảng và Phú Hòa Vang lấy tên là Nam Chơn; nhập các làng Hội An và Tân An thành làng Hòa Mỹ.[2]
Đây là thời kỳ thành phố Sài Gòn có diện tích lớn nhất kể từ ngày thành lập. Giai đoạn này, các khu vực mới được sáp nhập vào thành phố Sài Gòn triển khai xây dựng hạ tầng như đường sá, cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh… Sài Gòn đang ngày càng sầm uất thông qua mật độ xây dựng và ranh giới được mở rộng. Lúc này ranh giới phía đất liền của thành phố nằm ở đồi Tân Khai, lấy tuyến đường Lò Mổ (Nguyễn Thái Học – Nguyễn Thị Nghĩa) và đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám) làm ranh giới.
