ĐỒ ÁN THIẾT KẾ ĐÔ THÀNH SÀI GÒN-CHỢ LỚN - HỌA ĐỒ HƯỚNG DẪN ĐẠO LỘ VÀ PHÂN KHU (1969), TỶ LỆ 1/10.000

Bản vẽ Họa đồ hướng dẫn đạo lộ và phân khu, tỷ lệ 1/10.000 thuộc đồ án thiết kế Quy hoạch Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, hoàn thành năm 1969 bởi Nha Tổng giám đốc Kiến thiết và Thiết kế đô thị - Bộ Công chánh.[1] Cái tên Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn có lẽ là một sự nhầm lẫn của người thiết kế, bởi đơn vị hành chánh này đã được đổi thành Đô thành Sài Gòn từ năm 1956 qua Sắc lệnh số 143-NV ngày 22/10/1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đây là một bản quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 cho Đô thành Sài Gòn vào năm 1969, thời điểm sau khi lập hai Quận Mười và Mười Một.

Sau khi Đô thành Sài Gòn có đến 11 quận, tình hình về nạn nhân mãn cũng không hề thay đổi, mặc dù trước đó vào năm 1966, khi sáp nhập gần 10km2 của Thủ Thiêm, tổng diện tích Sài Gòn lên đến 69,6km2. Theo báo cáo của chính quyền, mật độ mật độ ước đoán dân số Đô thành Sài Gòn lúc này hơn 31.000 người/km2.[2] Trên thực tế, mật độ dân cư còn cao hơn rất nhiều và tập trung chủ yếu ở các khu đô thị nghèo. Cần thay đổi thành đô thị cho các khu đất nông nghiệp tập trung chính ở các vùng: Phía nam Quận Bảy và Tám (nam Kinh Đôi), phía tây Quận Sáu (tây rạch Lò Gốm), phía nam Quận Tư (Khánh Hội) và toàn bộ Quận Chín (Thủ Thiêm). Đồ án ra đời nhằm đáp ứng một quy hoạch tổng thể để phân phối lại dân cư trên địa bàn thành phố, đồng thời định hướng cho Sài Gòn phát triển đồng bộ giữa các khu vực, đặc biệt là xóa bỏ các khu ổ chuột.

Nội dung bản vẽ cho thấy, thiết kế quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng. Nổi bật của đồ án là toàn bộ các khu vực đồng ruộng được quy hoạch thành đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở. Đáng chú ý là không chỉ quy hoạch cho Đô thành Sài Gòn, đồ án còn thể hiện các nội dung quy hoạch định hướng cho các trung tâm đô thị kế bên như Phú Nhuận, Bình Hòa và Thạnh Mỹ An. Đồ án chia làm 3 vùng thiết kế riêng biệt, vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, vùng Khánh Hội và vùng Thủ Thiêm. Mỗi vùng lại có các loại đất được quy hoạch khác nhau nhằm phù hợp đặc điểm và nhu cầu của khu vực, cụ thể:

I. Vùng Sài Gòn-Chợ Lớn 1.1. Vùng Hạng 1 (Biệt thự) 1.2. Vùng Hạng 2 (Liên kế) 1.3. Vùng Hạng 3 (Công nghệ) 1.4. Khu Thương mại (Chợ) 1.5. Khu Hành chánh 1.6. Khu Quân sự 1.7. Khu Quân sự tạm chiếm sẽ dành cho hành chánh 1.8. Khu Nhà ga Hỏa xa 1.9. Khu Thanh địa 1.10. Khu Bất trúc tạo 1.11. Kinh đào 1.12. Đường dây điện Đa Nhim

II. Vùng Khánh Hội 2.1. Khu Hành chánh-Văn hóa-Xã hội 2.2. Khu Tôn giáo 2.3. Khu Công thương 2.4. Khu Gia cư bình dân 2.5. Khu Kỹ nghệ và Kho 2.6. Khu Thanh địa 2.7. Khu Bất trúc tạo 2.8. Đường dây điện Đa Nhim

II.Vùng Thủ Thiêm 3.1. Khu Hành chánh 3.2. Khu Thương mại 3.3. Khu Gia cư 3.4. Khu Văn hóa và Giáo dục 3.5. Khu Kỹ nghệ 3.6. Khu Thanh địa 3.7. Kinh đào 3.8. Khu Bất trúc tạo 3.9. Đường dây điện Đa Nhim và địa dịch bất trúc tạo

Tuy nhiên, đối chiếu với các giai đoạn phát triển đô thị Sài Gòn về sau, có thể thấy đồ án đã không được triển khai thực hiện.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU