BẢN ĐỒ ĐỀ XUẤT RANH GIỚI MỞ RỘNG HAI THÀNH PHỐ SÀI GÒN VÀ CHỢ LỚN

Đây là bản đồ đề xuất mở rộng địa giới hai đô thị lớn nhất Nam Kỳ vào năm 1929, thành phố Sài Gòn ở phía đông và thành phố Chợ Lớn ở phía tây. Bản đồ còn cung cấp thông tin địa hình, địa vật Sài Gòn, Chợ Lớn và các khu vực xung quanh.

Nguyên trước đó, tiếp tục chuỗi sáp nhập, theo nghị định ngày 05/01/1923, chính quyền cho sáp nhập vào thành phố Chợ Lớn nhiều diện tích từ hai tỉnh Chợ Lớn và Gia Định. Đó là một phần diện tích của các làng thuộc tỉnh Chợ Lớn gồm làng Tân Hòa Đông, Phú Định, An Lạc, An Phú Tây, Phong Đước, Bình Đông, Bình Đăng và Chánh Hưng; một phần diện tích tỉnh Gia Định gồm các làng Tân Thới Hòa và làng Chí Hòa.[1] Lúc này có thể thấy thành phố Chợ Lớn đón nhận một diện tích sáp nhập gần gấp đôi (22,7 km2), đưa tổng diện tích đô thị Chợ Lớn lên đến 35,14 km2 và nếu chưa trừ diện tích mặt nước sẽ lên đến 40,41 km2. Đến năm 1929, theo nghị định ngày 17/9/1929, sáp nhập các lô 292, 293, 295 đến lô 309 từ 3 làng Phú Thọ, tỉnh Gia Định vào thành phố Chợ Lớn.[2] Diện tích sáp nhập năm 1929 vào thành phố Chợ Lớn là khoảng 70 ha, đưa tổng diện tích thành phố Chợ Lớn hơn 41 km2.

Cần biết thêm về làng Chí Hòa, đó là một làng chỉ mới đặt theo nghị định ngày 5/12/1916 của Thống đốc Nam Kỳ về việc thay đổi địa giới làng xã của số tổng thuộc tỉnh Gia Định. Theo đó, hợp nhất các làng Thạnh Hòa và Hòa Hưng thành làng mang tên Chí Hòa, tổng Dương Hòa Thượng.[3] Từ đây, Chí Hòa mới trở thành một đơn vị hành chánh cấp làng, mặc dù trước đó, địa danh Chí Hòa đã rất nổi tiếng khi gắn liền với Đại đồn Chí Hòa ở những năm 1859-1861.

Lúc này, để phù hợp với tốc độ đô thị hóa cao của Sài Gòn, chính quyền thuộc địa chủ trương sáp nhập một số diện tích vùng ven nằm phía tây bắc của thành phố Sài Gòn. Theo bản đồ ngày 5/9/1929, phần dự kiến sáp nhập vào thành phố Sài Gòn bắt đầu từ vị trí giáp ranh với đô thị Chợ Lớn trải dài về phía đông bắc giáp làng Thanh Đa.[4] Cụ thể, bắt đầu từ một phần làng Chí Hòa và trải dài về phía đông bắc đén giáp tận kinh đào cắt bán đảo Thanh Đa. Phần dự kiến nhập vào thành phố Sài Gòn năm 1929 gồm: Toàn bộ làng Phú Mỹ, Phú An cùng một phần làng Chí Hòa, Phú Nhuận, Bình Hòa Xã, Bình An Đông và Thạnh Đa. Về cơ bản, ranh giới đề xuất mới của thành phố Sài Gòn đi theo kinh Vành đai, một phần ranh phía tây làng Phú Nhuận, và cuối cùng theo tuyến đường lớn đi về đến kinh Thanh Đa (nay là đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh và kết thúc tại Cầu Kinh). Diện tích đề xuất sáp nhập vào thành phố Sài Gòn là 12,88 km2, đưa tổng diện tích thành phố Sài Gòn sau khi sáp nhập lên đến 27,93 km2. Tuy nhiên, cho đến năm 1931, chính quyền chỉ sáp nhập một phần nhỏ diện tích này, đó là phần diện tích làng Chí Hòa nằm phía đông nam kinh Vành đai, nên ranh giới thành phố Sài Gòn không được mở rộng như đề xuất vào năm 1929 như đã khảo sát.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU