BẢN ĐỒ SÁP NHẬP CÁC TRUNG TÂM VÀ CÁC XÃ NGOẠI Ô TỈNH GIA ĐỊNH VÀO VÙNG SÀI GÒN –CHỢ LỚN NĂM 1944.

Tân Bình là tỉnh được thành lập muộn nhất vùng Nam Kỳ thuộc Pháp. Tỉnh Tân Bình có địa giới điểm xa nhất về phía bắc tại ngã ba đường Quang Trung - Tân Sơn (phường 8, Gò Vấp); điểm xa nhất về phía nam tại ngã ba sông Mương Chuối với sông Soài Rạp (xã Phú Xuân, Nhà Bè); điểm xa nhất về phía đông tại Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, Q7); điểm xa nhất về phía tây tại ngã ba Bà Quẹo (phường 13, Tân Bình). Tỉnh Tân Bình có xu thế nằm ven sông Sài Gòn và trải dài theo phương bắc nam với chiều dài hơn 20km.

Ngày 11/5/1944, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Tân Bình kể từ ngày 01/4/1944, đặt dưới quyền quản lý của Khu trưởng vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Tỉnh Tân Bình được hình thành từ các làng tách ra từ tỉnh Gia Định, nằm trên ba khu vực với tổng diện tích khoảng 10.000 ha.[1] Khảo sát chi tiết, tỉnh Tân Bình năm 1944 gồm các khu:

Khu Gia Định (Khu A) gồm các làng: Thạnh Mỹ Tây, Bình Hòa Xã, Phú Nhuận, Hanh Thông Xã, Hanh Thông Tây, Phú Thọ Hòa, An Sơn Hòa, Tân Sơn Nhứt, An Hội.

Khu Thủ Thiêm (Khu B) gồm làng An Khánh Xã.

Khu Nhà Bè (Khu C) gồm các làng: Tân Quy Đông, Tân Thuận Đông, Phú Mỹ Tây, Phước Long Đông và Phú Xuân Hội. Tổng diện tích tỉnh Tân Bình vào năm 1944 lên đến hơn 93 km2. Ngày nay, quận Tân Bình kế thừa địa danh Tân Bình và có diện tích hơn 22 km2, là một phần diện tích phía tây bắc tỉnh Tân Bình thời Pháp thuộc. Phần diện tích còn lại của tỉnh Tân Bình (1944) thuộc các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Quận 7, huyện Nhà Bè và thành phố Thủ Đức ngày nay.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU