BẢN ĐỒ NỘI THÀNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 1988

Sau ngày 30/4/1975, tỉnh Gia Định và Đô thành Sài Gòn được sáp nhập nên thành phố Sài Gòn-Gia Định. Lúc này, thành phố Sài Gòn-Gia Định có 18 quận, huyện; gồm 13 quận nội thành là Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận Tân Bình, Quận Gò Vấp, Quận Phú Nhuận, Quận Bình Hòa, Quận Thạnh Mỹ Tây và 5 huyện ngoại thành là huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Thủ Đức. Nghị quyết của Quốc hội khóa VI của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp ngày 2-7-1976, chính thức đặt tên đơn vị hành chính Thành phố Hồ Chí Minh[1]:

Nghị quyết về việc chính thức đặt tên thành phố Sài-gòn – Gia-định là thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Xét rằng nhân dân thành phố Sài-gòn – Gia-định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người: Kết rằng, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài-gòn – Gia-định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chi Minh vĩ đại; Sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn chủ tịch kỳ họp Quốc hội, QUYẾT NGHỊ Chính thức đặt tên thành phố Sài-gòn – Gia-định là thành phố Hồ Chí Minh. Hà-nội, ngày 2 tháng 7 năm 1976.

Thành phố mới có địa giới bao gồm 10 quận Đô thành Sài Gòn (từ Quận Nhứt đến Quận Mười Một, trừ Quận Chín), toàn tỉnh Gia Định (các huyện Bình Chánh, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Tân Bình và Thủ Đức) và một phần của tỉnh Hậu Nghĩa (quận Củ Chi) cùng một phần tỉnh Bình Dương (quận Phú Hòa). Thành phố Hồ Chí Minh có 17 quận, huyện; gồm 12 quận nội thành là Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận Tân Bình, Quận Gò Vấp, Quận Phú Nhuận, Quận Bình Thạnh; 5 huyện ngoại thành là huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Thủ Đức. Lúc này Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích lên đến 2.029km2 và dân số 3.495.544 người[2]. Năm 1978, sáp nhập huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai vào Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/12/1978 tại nghị quyết Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ tư[3], nâng tổng số quận, huyện của thành phố lên 18.

Bản đồ nội thành Thành phố Hồ Chí Minh năm 1988 thể hiện 12 quận nội thành gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận Tân Bình, Quận Gò Vấp, Quận Phú Nhuận, Quận Bình Thạnh. Như đã khảo sát, ngay từ năm 1976, thành phố Hồ Chí Minh đã có 12 quận nội thành. Trong đó, các quận nội thành đã có từ trước năm 1975 gồm Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8, Quận 10, Quận 11; 4 quận nội thành được thành lập sau năm 1975 là Quận Tân Bình, Quận Gò Vấp, Quận Phú Nhuận, Quận Bình Thạnh. Như vậy, tổng diện tích các quận nội thành vào năm 1976 lên đến 146,56km2 (chưa trừ diện tích mặt nước), trong đó phần các quận nội thành cũ của Đô thành Sài Gòn là 61,56km2; diện tích 4 quận nội thành lập mới là 85km2.

Kết quả khảo sát cho thấy, địa giới nội thành cũ của Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu nằm trên hai đô thị Sài Gòn và Chợ Lớn thời Pháp thuộc, có diện tích 61,56km2, tương đương diện tích gần 60km2 ở năm 1931, thời điểm sáp nhập hai đô thị hàng đầu Nam Bộ. Sự sai khác chủ yếu nằm ở một số vị trí được điều chỉnh cục bộ ở khu vực ranh phía tây và phía bắc.

Lúc này, quy mô đơn vị hành chính Thành phố Hồ Chí Minh bao trùm Khu Sài Gòn-Chợ Lớn, phần lớn tỉnh Gia Định, một phần tỉnh Chợ Lớn và một phần tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc. Lúc này, diện tích nội thành của Thành phố (146,56km2) chỉ chiếm 7% tổng diện tích Thành phố (2.093km2). Vì thế, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tiếp tục xây dựng và mở rộng quy mô nội thành theo thời gian về sau. Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 01/4/1989,[4] Thành phố Hồ Chí Minh có 3.924.400 người, đạt mật độ dân số toàn thành khoảng 1.875 người/km2. Trước đó vào năm 1984, toàn thành phố có tổng dân số khoảng 3.563.900 người, đạt mật độ dân số là 1.702 người/km2. Khảo sát hệ thống cơ sở hạ tầng của nội thành vào năm 1988, cho thấy Thành phố hầu như chưa phát triển thêm gì nhiều so với thời điểm năm 1976.[5] Dường như sau một thời gian dài chưa kịp tái thiết sau chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu có những thay đổi từ những năm sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986. Và từ đây, Thành phố tiến vào một giai đoạn mới với nhiều bước phát triển ngoạn mục.

Nguồn: Xí nghiệp bản đồ - Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước
Nguồn: Xí nghiệp bản đồ - Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU