CÔNG TÁC BỒI LẤP KHU CHÁNH HƯNG

Hai bản vẽ này nằm trong chương trình chỉnh trang khu vực Chánh Hưng, Quận Tám, Đô thành Sài Gòn, diễn ra từ năm 1965-1968.[1]

Công tác chỉnh trang gia cư ở Đô thành Sài Gòn được tổ chức nhằm tái cấu trúc hoặc bổ sung những công trình xây dựng mới cho các khu dân cư tự phát trước đó, điển hình là các khu dân cư được chỉnh trang ở Quận Tám. Đây là một quận nằm phía nam kinh Bến Nghé, phần lớn là nông thôn, còn khá nhiều ruộng vườn xen lẫn kinh rạch, hạ tầng rất kém. Dân cư chủ yếu là các hộ lao động nghèo, tình trạng mất vệ sinh rất trầm trọng. Để khắc phục, đồng thời đưa khu vực từng bước đô thị hóa, chính quyền tổ chức nhiều đợt chỉnh trang. Giai đoạn 1965-1968, chỉnh trang khu nghĩa địa Chánh Hưng, khu nghĩa địa Hưng Phú, xây dựng Ký nhi viện Hưng Phú, chỉnh trang khu Sở rác Đô thành…

Tiêu biểu là phần chỉnh trang khu Rạch Ông (Quận Tám) do Tổng Cuộc phát triển gia cư tổ chức thực hiện.[2] Công trình nằm bờ nam Kinh Đôi và giới hạn bởi rạch Ông Lớn ở phía đông, rạch Ông Nhỏ ở phía tây, phía nam giáp với tỉnh Gia Định. Đây là khu vực thuộc phường Rạch Ông (Quận Tám), nguyên thuộc làng Chánh Hưng, cổ hơn nữa là các làng Tứ Xuân, Bình Xuyên và Khánh Bình, tổng Dương Hòa Trung. Cư dân chủ yếu là dân nghèo các nơi đổ về suốt một thời gian dài. Thậm chí còn có cả người dân gốc Tourane đến Sài Gòn qua cuộc chiến năm 1859, một phần nhỏ họ đã đến định cư tại vùng Rạch Ông Lớn.[3]

Khu vực có tổng diện tích tự nhiên lên đến 1,3km2 với nhiều ao hồ tù đọng khá sâu cần san lấp nhằm đưa dân cư vào ở. Tại thời điểm năm 1965 đã có một số tuyến đường chính vào khu vực như đường Phạm Thế Hiển, đường nối Cầu Chữ Y cùng một số tuyến nhánh nằm bên trong như đường Dương Bá Trạc, Âu Dương Lân. Nội dung xây dựng cho thấy công việc chủ yếu là san nền cải tạo ao hồ và xây dựng các tuyến đường chính theo quy hoạch chia khu vực thành những ô phố nhỏ. Tổng khối lượng san nền dự kiến khoảng 90.000m3.

Công trình triển khai suốt một thời gian dài, tuy nhiên kết quả nhận được chưa nhiều. Sự thiếu hụt tài liệu không cho phép chúng ta đưa ra kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, có thể đánh giá sơ bộ từ năm 1965-1975, khu vực chỉnh trang Rạch Ông đã được đô thị hóa khoảng 50% diện tích.[4] Đáng chú ý, tuyến kinh Xáng được đào ở giai đoạn này và đi trên ranh giới Đô thành Sài Gòn - tỉnh Gia Định.

Đây được xem là một dự án chỉnh trang điển hình ở Đô thành Sài Gòn trước năm 1975, đạt những hiệu quả rõ rệt, mang lại một diện mạo mới cho khu vực phường Rạch Ông (nay thuộc các Phường 1, 2, 3 - Quận 8)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU