DỰ ÁN SÁP NHẬP LÀNG TÂN HÒA VÀ PHÚ THẠNH VÀO THÀNH PHỐ SÀI GÒN, 1904

Đây là bản đồ thể hiện địa giới giới thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn vào năm 1904. Trước đó vào năm 1894, chính quyền sáp nhập phần đất các làng nằm phía tây bắc thành phố Sài Gòn, đưa diện tích đô thị thành phố Sài Gòn lên 770ha. Năm 1895, chính quyền sáp nhập một phần làng Khánh Hội và Tam Hội, dọc theo sông Sài Gòn vào thành phố Sài Gòn theo nghị định ngày 15/3/1895.[1] Bản chất việc sáp nhập này là đưa cảng thương mại phần phía nam về địa giới thành phố Sài Gòn. Tổng diện tích thành phố sau khi sáp nhập năm 1895 là 865ha.

Đến năm 1904, bằng nghị định ngày 21/3/1904, chính quyền sáp nhập một phần làng Tân Hòa (193ha) và một phần làng Phú Thạnh (47ha) vào thành phố Chợ Lớn; một phần làng Tân Hòa (217ha) và một phần làng Phú Thạnh (100ha) vào thành phố Sài Gòn; phần còn lại làng Phú Thạnh nằm ở phía tây bắc đường Polygone nhập vào làng Hòa Hưng thuộc tỉnh Gia Định.[2] Làng Tân Hòa nguyên là một làng lớn nằm ở khu vực Chợ Quán, được sáp nhập từ các làng nhỏ bằng nghị định 02/5/1888, bao gồm sáp nhập các làng Thái Bình, Nhơn Hòa, Liên Thành, Tân Lập, Nhơn Giang vào làng Tân Hòa.[3]

Cũng vào năm 1904, thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn chính thức giáp nhau. Tuyến đường Nancy - Grand Couronne (Nguyễn Văn Cừ) là ranh giới của hai thành phố. Lúc này tổng diện tích thành phố Sài Gòn lên đến 1.182ha và thành phố Chợ Lớn là 1.244ha.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU