ĐỒ ÁN CHỈNH TRANG KHU GIẢI TRÍ THANH ĐA
Hai bản vẽ này nằm trong chương trình chỉnh trang khu vực Chánh Hưng, Quận Tám, Đô thành Sài Gòn, diễn ra từ năm 1965-1968.[1]
Bán đảo Thanh Đa, đúng ra phải là Thạnh Đa vì mang tên làng Thạnh Đa nằm phía tây, là một trong những nơi chậm phát triển nhất của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Bán đảo có hai làng cổ là Thạnh Đa và Bình Quới Tây. Nơi đây có tuyến đường Thiên lý xây dựng vào năm 1748, nối dinh Phiên Trấn và dinh Trấn Biên.[1] Khi người Pháp thiết lập chế độ thuộc địa, tuyến đường Thiên lý này vẫn còn sử dụng một thời gian dài. Đến những năm 1900, khi tuyến đường sắt bắt đầu khai thác dẫn đến sự hình thành tuyến đường nối từ cầu Bình Lợi về Thủ Đức, tuyến đường đi qua khu vực Thanh Đa trở nên thưa vắng. Từ năm 1954, nhiều cây cầu qua sông Sài Gòn được xây dựng, tuyến đường cũ qua Thanh Đa dừng sử dụng, bán đảo chỉ còn giao thông nội vùng. Trước đó, bán đảo Thanh Đa đã trở thành hòn đảo khi kinh Thanh Đa được đào vào năm 1895-1897[2]. Điều này làm cho khu vực càng hoang sơ hơn mặc dù cầu quay Thanh Đa[3] được xây dựng năm 1898.[4]
Với chủ trương khai thác các vùng đất nằm gần đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn để thành lập một khu giải trí phục vụ dân cư đô thị, chính quyền Pháp thuộc đã nhiều lần đề xuất về vị trí bán đảo Thanh Đa với mục đích trở thành một khu giải trí. Nhiều bản quy hoạch của người Pháp đã đưa bán đảo Thanh Đa trở thành thảm xanh xen lẫn các khu giải trí. Năm 1927, theo đồ án Quy hoạch và mở rộng Sài Gòn-Chợ Lớn (Aménagement et extension de Saigon - Cholon), đề xuất biến đổi Thanh Đa trở thành một mảng xanh có diện tích lên đến 450ha.[5] Và đến năm 1965, theo sắc lệnh số 10-CC ngày 13/01/1965 duyệt y họa đồ hướng dẫn và chương trình địa dịch quận Thủ Đức và xa lộ Biên Hòa, thuộc Đồ án thiết kế Quận Thủ Đức và xa lộ Biên Hòa, mục Họa đồ chỉnh trang và hướng dẫn phân khu, trong đó có Thảo cầm viên ở Thanh Đa.[6] Trên cơ sở đó, Nha Thiết kế thị thôn thuộc Tổng Nha Kiến thiết và thiết kế đô thị đã lập đồ án quy hoạch phần lớn bán đảo Thanh Đa thành khu giải trí với nhiều công năng khác nhau.
Đồ án cho thấy tổng diện tích dự án Khu giải trí Thanh Đa lên đến 331,90ha (3,32km2), có thể xem là một siêu dự án giải trí thời bấy giờ. Toàn dự án chia làm 8 khu vực, bao gồm: 1. Khu trung tâm (35,8ha), 2. Khu thiếu nhi (38,5ha), 3. Khu bách thú (38,0ha), 4. Khu bách thảo (127,2ha), 5. Khu cắm trại (35,5ha), 6. Khu quốc tế (25,3ha), 7. Khu thể thao (37ha) và 8. Bãi đậu xe. Bản vẽ thiết kế quy hoạch sơ bộ tỷ lệ 1/10.000, cho thấy đây là một đồ án đặc sắc với các khu vực bố trí hợp lý. Mặc dù vậy, dường như chính quyền không quá mặn mà với dự án, hoặc có thể nguồn lực chưa đủ để triển khai nên ý tưởng biến Thanh Đa trở thành một khu giải trí mang tầm thời đại cũng không thể thực hiện được trong suốt quãng thời gian dài từ thời Pháp thuộc đến Việt Nam Cộng hòa.
