BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ SÀI GÒN THỂ HIỆN CÁC RANH GIỚI MỚI NĂM 1876

Bản đồ thành phố Sài Gòn năm 1876 là một bản đồ đặc sắc, thể hiện nhiều thông tin về sự thay đổi của thành phố, trong đó tập trung chủ yếu đến sự thay đổi địa giới và các điều chỉnh về mặt quy hoạch cũng như xây dựng. Trong đó nổi bật là sự điều chỉnh bản quy hoạch của Coffyn (1862), khi các kiến trúc sư bổ sung mảng cây xanh nằm ở khu vực dinh Thống đốc và bổ sung Đại lộ Norodom chạy thẳng về Vườn thú. Năm 1871, tuyến đường Norodom được bắt đầu xây dựng; năm 1873, tuyến đường này chỉ mới dài đến đoạn đường Phạm Ngọc Thạch – Đồng Khởi; năm 1879 tuyến đường này dài đến đường Mạc Đĩnh Chi; đến năm 1887 tiếp tục xây dựng hoàn thiện đoạn còn lại đến giáp Thảo cầm viên và hoàn thành năm 1888. Đường Norodom chính là Đại lộ Lê Duẩn phủ bóng cây xanh tuyệt đẹp ngày nay.

Nghị định ngày 11/3/1876 ra đời với mục đích phù hợp với nhiều làng xã mới được thành lập. Theo đó, địa giới đường sông của thành phố Sài Gòn đoạn nằm giữa cầu Thị Nghè và kinh Lò mổ sẽ được giữ lại. Về địa giới đất liền, thành phố Sài Gòn sẽ có: Kinh lò mổ kéo dài đến đường La Grandière; từ đường này đến đường Thuận Kiều; đường Thuận Kiều đến đại lộ Chasseloup-Laubat; đại lộ Chasseloup-Laubat đến đường Mac-Mahon, đường này đến đường Mois; đường Mois đến đường Catinat nối dài; đường Catinat nối dài đến đoạn tiếp giác với đường số 29 (đường Bà Rịa) và đường này đến đường Nationale. Từ đó ranh giới đi theo đường Nationale và vòng quanh nghĩa trang người Âu và Á, sau đó đi ngược lên đồng thời đi theo đường Bangkok, đi lại đường Mois cho đến đường Tây Ninh, và từ đường này đến đại lộ Chasseloup-Laubat; sau cùng, đại lộ Chasseloup-Laubat đến cầu Thị Nghè.[3]

Đối chiếu thực địa hiện nay, địa giới thành phố Sài Gòn vào năm 1876 có ba mặt vây quanh là nước, gồm rạch Bến Nghé, sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè. Phần còn lại phía đất liền được giới hạn theo ngày nay gồm: Từ rạch Bến Nghé tại đầu đường Nguyễn Thái Học, một đường giả tưởng bao quanh Lò Mổ và đi về hướng đông đến giáp đường Nguyễn Thái Học; rẽ trái đi dọc về Ngã Sáu Phù Đổng; rẽ phải theo Cách Mạng Tháng Tám đến giáp Nguyễn Thị Minh Khai; rẽ phải đi dọc đến giáp Nam Kỳ Khởi Nghĩa; rẽ trái đi dọc theo đến giáp Nguyễn Đình Chiểu; rẽ phải đi dọc đến giáp Phạm Ngọc Thạch; rẽ trái đi dọc đến giáp Điện Biên Phủ; rẽ trái đi dọc đến giáp Võ Thị Sáu; rẽ phải đi dọc đến giáp Thạch Thị Thanh; rẽ trái theo một đường giả tưởng bao quanh nghĩa địa Á châu theo 2 cạnh và đến giáp Lý Văn Phúc; rẽ phải đi dọc đến giáp Võ Thị Sáu; rẽ phải đi dọc đến giáp Phan Liêm; rẽ trái đi dọc đến giáp Điện Biên Phủ; rẽ phải đi dọc đến giáp Mạc Đĩnh Chi; rẽ trái đi dọc đến giáp Nguyễn Đình Chiểu; rẽ trái đi dọc đến giáp Nguyễn Bỉnh Khiêm; rẽ phải đi dọc đến giáp Nguyễn Thị Minh Khai; rẽ trái đi dọc đến giáp cầu Thị Nghè. Theo ranh giới vừa xác định, thành phố Sài Gòn vào năm 1876 có diện tích khoảng 4,17km2.

Cũng trong năm 1876, chính quyền thuộc địa quyết định chuyển tòa bố hạt Sài Gòn về khu vực Bình Hòa Xã theo quyết định ngày 24/02/1876, nên thường được gọi là hạt Bình Hòa (Inspection de Binh-hoa), nay là khu vực đối diện chợ Bà Chiểu. Nguyên ban đầu tòa bố hạt Sài Gòn nằm trong thành phố Sài Gòn, trên tuyến đường l’Impératrice, vị trí chính xác ngày nay là tại góc đông bắc đường Pasteur - Lê Lợi. Lúc bấy giờ đường Lê Lợi vẫn còn là con rạch lớn chia đôi đường Bonard.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU