BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ CHỢ LỚN, DO ÔNG CARMOUZE, CHUYÊN VIÊN ĐO VẼ ĐỊA HÌNH, VẼ DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA ÔNG BERTAUX, TRƯỞNG PHÒNG ĐỊA CHÍNH, THEO LỆNH CỦA ÔNG DANEL, THỐNG ĐỐC NAM KỲ NĂM 1890, TỶ LỆ 1/5.000.

Bản đồ thành phố Chợ Lớn tỷ lệ 1/5.000 hàm chứa nhiều thông tin đương thời quan trọng, có giá trị đối với nghiên cứu đô thị Chợ Lớn giai đoạn 1890. Ranh giới Chợ Lớn lúc này cho thấy thành phố có diện tích khoảng hơn 10 km2. Bản đồ thành phố có niên đại 1890 là phù hợp, bởi lúc này phần làng Bình Đông phía nam rạch Tàu Hủ chưa nhập vào thành phố Chợ Lớn.

Thông tin bản đồ cho thấy hệ thống đường sá của Chợ Lớn bấy giờ đã xuất hiện nhiều tuyến lớn và quan trọng như Boulevard de l’Ecole (Hồng Bàng), Boulevard du Chemin de Fer (Nguyễn Thí Thanh), Route de Bình Hòa (Lý Thường Kiệt)… Lúc này, tuyến Tramway de Cholon kết nối với thành phố Sài Gòn có ga cuối ở đường Avennu de Jaccaréo (Tản Đà). Ngoài ra, còn có tuyến đường sắt đi Mỹ Tho nằm trên Boulevard de l’Ecole đã hoạt động được 5 năm và trở thành một tuyến vận chuyển quan trọng ở Nam Kỳ. Năm 1890 cũng là năm cây cầu trên đường Thiên lý cũ qua kinh Xếp (pont du canal Hoi-hiep), bằng gỗ đã bị hư hỏng trước đó được thay thế tạm thời bằng cầu Eiffel rộng 3m.

Phần lõi đô thị Chợ Lớn vẫn nằm trong ranh giới cũ được xác lập năm 1870 với nhà cửa dày đặc cho thấy thành phố rất sầm uất. Các khu liền kề đang đô thị hóa nhanh, dần đông đúc với mật độ xây dựng khá cao. Nhiều tuyến đường được mở mới và kết nối vào khu vực cũ trước, tăng lượng lưu thông cho thành phố thương mại. Đặc biệt, tuyến kinh Bonnard đang được đào một đoạn từ kinh Quới Đước chạy giáp đường Palikao (Ngô Nhân Tịnh). Tuyến kinh này lúc bắt đầu dự án được gọi là kinh Bonnard, khi hoàn thành năm 1893 lại đổi tên thành kinh Fourès. Phải đến thập niên 20 của thế kỉ XX mới đổi lại thành kinh Bonnard. Hệ thống thủy lộ tại đô thị Chợ Lớn được hoàn thiện và kết nối với tất cả các hướng như về sông Sài Gòn, sông Bến Lức, rạch Xóm Củi và rạch Ong Lớn. Điểm đặc biệt nhất của tài liệu là có 60 vị trí được đánh dấu bằng số, ghi cụ thể các công trình xây dựng lớn và quan trọng ở đô thị Chợ Lớn lúc này. Qua đây có thể nhận thấy, các thông tin từ bản đồ khá đầy đủ, phục vụ tốt cho nghiên cứu đô thị Chợ Lớn ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU