BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ SÀI GÒN VÀ CHỢ LỚN NĂM 1937

Bản đồ ra đời năm 1937, lúc này đã hình thành ranh giới khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Khu Sài Gòn-Chợ Lớn được sáp nhập vào năm 1931 và có tổng diện tích lên gần 60 km2. Tuy nhiên, chính quyền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn hoạt động độc lập đến năm 1941 mới bị xóa bỏ.

Đối chiếu với ranh giới hai thành phố năm 1931, cho thấy thành phố Sài Gòn lúc này đã có sự thay đổi. Đó là sự sáp nhập vùng phía bắc kinh Vành đai, với diện tích khoảng 30 ha của làng Phú Thọ, vào địa giới thành phố Sài Gòn. Đường ranh giới nằm trên con hẻm Tứ Hải và song song đường Bắc Hải ngày nay, đưa diện tích thành phố lên 19,05 km2 và tổng diện tích Khu Sài Gòn-Chợ Lớn lúc này hơn 60 km2. Giai đoạn này, hai đô thị vẫn độc lập nhau; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là đường phố đã được phát triển cơ bản hoàn thiện như quy hoạch. Mặc dù vậy, một số khu vực vẫn chưa có quy hoạch đường sá như khu Khánh Hội (phần nằm ngoài thương cảng Sài Gòn), khu phía tây kinh Tân Hóa - Lò Gốm (phần giáp tỉnh Chợ Lớn), khu phía đông kinh Tân Hóa - Lò Gốm (phần nằm trên đảo), khu phía bắc Sài Gòn-Chợ Lớn (phần mới sáp nhập năm 1923 - 1931), khu phía nam kinh Đôi… Phần còn lại của Khu Sài Gòn-Chợ Lớn nằm trong các ranh giới đô thị xác lập cũ dày đặc đường sá, cho thấy tiến trình đô thị hóa đã cơ bản hoàn thành.

Chính quyền thuộc địa còn nhiều chương trình nhằm phát triển các vùng chưa quy hoạch. Sự hình thành các tuyến giao thông đường thủy mới như kinh Tẻ (canal de Dérivation, 1906), kinh Đôi (canal de Doublement, 1919),[1] Ụ thuyền (Bassin aux bois, 1914),[2] kinh Lò Gốm Mới (canal de Poteries, 1895)… đã gia tăng khả năng lưu thông cho thành phố thương mại. Mặc dù vậy, sâu bên trong vùng lõi đô thị, việc xóa bỏ các tuyến kinh rạch từng là các tuyến giao thông quan trọng của đô thị Chợ Lớn đã chấm dứt hoàn toàn các thủy lộ quen thuộc của giới thương hồ, đồng thời làm suy giảm khả năng thoát nước đô thị. Điển hình là các tuyến kinh Xếp (Châu Văn Liêm), rạch Lò Gốm hay rạch Chợ Lớn (Hải Thượng Lãn Ông), kinh Quới Đước (Kim Biên và Vạn Tượng), thậm chí là rạch Xóm Củi (Vạn Kiếp - Xóm Củi)... Điều này cũng cho thấy thương cảng Chợ Lớn đã được dời ra ngoài khu vực đô thị cổ. Cùng với sự ra đời của các giang cảng bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX nằm trên rạch Chinois (Tàu Hủ) và kinh Poteries (Lò Gốm Mới), đã hình thành nên những cảng thương mại tại Chợ Lớn, một trung tâm lúa gạo đang hình thành ở đây và ngày càng phát triển.

Với 80 vị trí ghi chú ở Chợ Lớn, 135 vị trí ghi chú ở Sài Gòn cùng hệ thống đường sá cùng tên đường chi tiết, bản đồ giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu hai đô thị lớn nhất Nam Kỳ giai đoạn này.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU