BẢN ĐỒ MỞ RỘNG VÀ KẾT NỐI SÀI GÒN-CHỢ LỚN, TỶ LỆ 1/10.000
Đây là một bản đồ quy hoạch kết nối hai thành phố lớn nhất Nam Kỳ, trung tâm chính trị Sài Gòn và trung tâm kinh tế Chợ Lớn. Căn cứ sự tồn tại của vũng thuyền Lanessan (bassin de Lanessan) cho thấy niên đại bản đồ muộn nhất là vào năm 1926, năm lấp hoàn thành vũng thuyền Lanessan để làm chợ Bình Tây Mới.[1] Có thể bản đồ này là một bản thiết kế quy hoạch xây dựng của đồ án quy hoạch liên kết và mở rộng Sài Gòn-Chợ Lớn (1927), tỷ lệ 1/25.000 vừa giới thiệu trước đó. Sự khác biệt giữa hai đồ án là ranh giới phía nam của đồ án này vẫn còn bỏ ngõ.
Về cơ bản, đồ án chịu ảnh hưởng từ Đồ án thành phố Sài Gòn 500.000 dân của Hải quân trung tá Coffyn (1862). Ảnh hưởng rõ nét nhất của bản quy hoạch 1862 cho đồ án này, chính là sự xuất hiện của tuyến Đại lộ Vành đai (Boulevard Circulaire). Tim tuyến đại lộ đi phần lớn trên tim tuyến kinh Vành đai xây dựng năm 1862, chỉ một đoạn phía tây đi song song và chỉ cách hơn 400m. Đặc biệt, sự hoàn nguyên vị trí khu đầu não dinh Thống đốc Nam Kỳ tại khu vực tòa thành tỉnh Gia Định (thành Phụng) cho thấy rõ ảnh hưởng của đồ án Coffyn. Điểm khác biệt lớn nhất của hai đồ án chính là sự mở rộng bản quy hoạch qua phía nam rạch Bến Nghé - Tàu Hủ. Đó là các khu vực nằm giữa rạch Bến Nghé - Tàu Hủ và kinh Đôi - kinh Tẻ mà đồ án gọi là những khu vực dự kiến mở rộng (extension prévue). Về phía ranh giới từ kinh Đôi - kinh Tẻ về phía nam, bản quy hoạch vẫn để mở và không xác lập quy hoạch đô thị, cho thấy ý tưởng mở rộng thành phố về phía nam của người thiết kế. Tổng diện tích quy hoạch được xác định bởi ranh giới quy hoạch ở mặt bắc và tây, cùng kinh Đôi - kinh Tẻ phía nam và sông Sài Gòn phía đông, lên đến 35km2.
Phần đô thị Sài Gòn và Chợ Lớn cũ, đồ án bảo tồn những khu vực đã xây dựng hoàn thiện. Những phần mở rộng về sau, đồ án quy hoạch thành những khu đô thị hiện đại, kết nối với các khu đô thị cũ. Điểm nổi bật của đồ án là Đại lộ Vành đai bao quanh hai đô thị rộng 70m; bên ngoài là Vùng Công viên và biệt thự (Zône de Zardins et Villas) rộng 150m bao toàn bộ khu vực phía bắc và phía tây đô thị quy hoạch. Việc mở rộng diện tích Vườn bách thảo về phía Thị Nghè cũng là một điểm nhấn, khi không gian xanh được kết nối theo trục vành đai bao bọc toàn bộ hai thành phố. Một số khu vực được chuyên biệt chức năng như khu quân sự ở Chí Hòa, khu thể thao phía đông khu quân sự, khu nhà ga mới phía đông bắc, phủ Thống đốc Nam Kỳ tại thành Phụng,… là những điều chỉnh mang tính chuyên sâu về công năng sử dụng. Bản quy hoạch thể hiện rõ tinh thần phát triển Sài Gòn mang tính chất một thành phố hành chính và Chợ Lớn mang tính chất một thành phố thương mại.
Đối chiếu ngày nay cho thấy phần lớn bản quy hoạch đã không được triển khai trên diện rộng. Tuy vậy, bản đồ quy hoạch cho thấy chính quyền Nam Kỳ sẵn sàng cho việc sáp nhập hai đô thị hàng đầu ở Đông Dương để trở thành một trung tâm kinh tế xã hội, nơi được mệnh danh là Tiểu Paris ở Phương Đông.
