ĐÔ THÀNH SÀI GÒN, 1959, TỶ LỆ 1/10.000
Bản đồ Đô thành Sài Gòn năm 1959, có tỷ lệ lớn 1/10.000, thể hiện rõ chi tiết địa vật ở Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận. Đây là bản đồ đặc sắc nhất về đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn ở giai đoạn này. Với tổng cộng 384 tuyến đại lộ, đường, bến, hẻm và công trường cùng 156 ghi chú về vị trí, bản đồ Đô thành Sài Gòn năm 1959 thể hiện nhiều thông tin đương thời rất giá trị.
Bản đồ còn cho thấy hiện trạng các khu đô thị vệ tinh của Đô thành Sài Gòn như khu Phú Nhuận, Bình Hòa, Thị Nghè hay Thủ Thiêm, là những trung tâm đô thị đang dần hoàn thiện và là những tiền đề hình thành các quận đô thị về sau. Giai đoạn này, đoạn rạch Xóm Củi nối từ Chợ Xóm Củi về Rạch Ụ cũng đã bị lấp hoàn toàn. Ngoài vùng phía nam kinh Đôi, khu phía tây rạch Lò Gốm (đoạn phía bắc) và kinh Lò Gốm (đoạn phía nam), khu Quận 4 vẫn còn nhiều ruộng vườn và kinh rạch, phần còn lại đang trên đường đô thị hóa rất mạnh mẽ.
Bản đồ Đô thành Sài Gòn năm 1959 cũng thể hiện nội dung các quận hành chính được thay đổi vào năm 1959 của chính quyền. Theo nghị định số 110-NV ngày 27/3/1959 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về việc chia Đô thành Sài Gòn thành 8 quận[1], Đô thành Sài Gòn lúc này gồm 8 quận với địa giới như sau:
- Quận Nhứt: Rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, đường De Lattre de Tassigny, đường Hồng Thập Tự và đường Hai Bà Trung đến rạch Thị Nghè. - Quận Nhì: Đường De Lattre de Tassigny, đường Hồng Thập Tự, đại lộ Cộng Hoà và bến Chương Dương. - Quận Ba: Đường Hai Bà Trưng, đường Hồng Thập Tự, đại lộ Lý Thái Tổ, đường đá đổ Quân sự từ đại lộ Trần Quốc Toản đến đường Quân sự dọc kinh Bao Ngạn, ranh giới tỉnh Gia Định và rạch Thị Nghè. - Quận Tư: Rạch Bến Nghé, Kinh Tẻ, đường Trịnh Minh Thế (từ cầu Tân Thuận Đông đến cầu Quay). - Quận Năm: Đại lộ Cộng Hoà, đại lộ Lý Thái Tổ, đường đá đổ Quân sự, đường Quân sự dọc Kinh Bao Ngạn, ranh làng Phú Thọ Hoà, kinh Bao Ngạn, đường Trang Tử, đường Ngô Nhân Tịnh, kinh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé. - Quận Sáu: Đường Lê Đại Hành nối dài, kinh Bao Ngạn, đường Trang Tử, đường Ngô Nhân Tịnh, kinh Tàu Hủ, rạch Ruột Ngựa, đường Rạch Ruột Ngựa đến cầu Mỹ Thuận và ranh giới Đô thành giáp đường Lê Đại Hành nối dài. - Quận Bảy: Rạch Lào, Kinh Đôi, kinh Số 1, kinh Tàu Hủ, rạch Ruột Ngựa, đường từ rạch Ruột Ngựa đến cầu Mỹ Thuận, đường tỉnh Số 17, ranh làng An Lạc, rạch Đình, rạch Chợ Đệm, rạch Cùng, ranh làng An Phú Tây, ranh làng Phong Đước và ranh làng Bình Đông đến rạch Lào. - Quận Tám: Rạch Lào, ranh giới Đô thành, rạch Ông Lớn,[2] kinh Tẻ, rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hủ, kinh Số 1 và kinh Đôi. Đối chiếu với ranh giới ngày nay, có thể xác định tương đối địa giới các quận lập năm 1959 như sau: - Quận Nhứt là một phần nằm về phía bắc Quận 1 ngày nay, tính từ phía bắc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lúc này là đường De Lattre de Tassigny; - Quận Nhì là một phần nằm về phía nam Quận 1 ngày nay, tính từ phía nam đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lúc này là đường De Lattre de Tassigny; - Quận Ba gồm một phần Quận 10 và toàn bộ Quận 3 ngày nay; - Quận Tư gồm toàn bộ Quận 4 ngày nay; - Quận Năm gồm một phần Quận 11, phần lớn Quận 10 và toàn bộ Quận 5 ngày nay; - Quận Sáu gồm một phần nhỏ Quận 8, một phần Quận 11 và toàn bộ Quận 6 ngày nay; - Quận Bảy là phần phía tây của Quận 8 ngày nay, tính từ ranh phía đông là Rạch Lào-Kinh Đôi và Kinh Số 1; - Quận Tám là phần phía đông của Quận 8 ngày nay, tính từ ranh phía tây là Rạch Lào-Kinh Đôi và Kinh Số 1.
Có thể thấy, lần thay đổi địa giới các quận của Đô thành Sài Gòn năm 1959 khác khá nhiều so với các quận xác lập năm 1952. Trong khi đó, địa giới các quận năm 1959 lại khá gần với ngày nay.
Lần xác lập ranh giới các quận năm 1959 là lần xác lập quan trọng cho Đô thành Sài Gòn và là nền tảng cho các quận được xác lập về sau. Ngay sau đó, theo nghị định số 504-BNV/HC/NĐ ngày 22/4/1959 của Bộ trưởng Nội vụ, địa phận 8 quận của Đô thành Sài Gòn được chia thành 41 phường[3] như sau: Quận Nhứt chia ra 4 phường; Quận Nhì 4 phường; Quận Ba 5 phường, Quận Tư 4 phường; Quận Năm 6 phường; Quận Sáu 7 phường; Quận Bảy 6 phường; Quận Tám 5 Phường.
Về mặt đặt tên đường, lúc này theo nghị định số 511-KT ngày 06/7/1959 của Đô trưởng Sài Gòn về việc đặt lại tên một số đường trong đô thành.[4] Cụ thể chính quyền đặt lại tên cho 44 tuyến đường thuộc Đô thành Sài Gòn, chi tiết theo bảng sau:
Tên hiện tại | Bắt đầu từ | Đến | Tên đường mới |
De Lattre de Tassigny | Bến Chương Dương | Hồng Thập Tự | Công Lý (nối dài) |
J.J. Rousseau | Hùng Vương | Dương Công Trừng | Nhân Vị |
Primauguet | Bạch Đằng | Lê Thánh Tôn | Thủy Quân |
Aux Fleurs | Phủ Kiệt | Nguyễn Huệ | Hẻm số 2 Hàm Nghi |
Allée P. Pasquier | Nguyễn Bỉnh Khiêm | Đường xuyên Thảo Cầm Viên | Thống Nhất nối dài |
Sère | Thuận Kiều | Yves | Đặng Minh Khiêm |
Francois | J. J. Rousseau | Tân Khai | Hoàng Đức Tương |
Yves | - | - | Nguyễn Bá Học |
Hélène | - | - | Đào Nguyên Phổ |
Đường dự định số 1 hẻm hãng Sáo | 214 đường Trần Quang Khải | Xóm Chùa | Đường Xóm Chùa |
Đường Quân sự | Lê Văn Duyệt | Nguyễn Văn Thoại | Bắc Hải |
Đường Quân sự | Cuối đường Tô Hiến Thành | Nguyễn Văn Thoại | Tô Hiến Thành nối dài |
Tục gọi hẻm Sáu Lèo | Phạm Ngũ Lão | Bùi Viện | Hoàn Lương |
Ruelle du Marché | Phan Đình Phùng | Tự Đức | Hẻm Cây Điệp |
Hẻm Nguyễn Cảnh Chân | Nguyễn Cảnh Chân | Cư xá cảnh sát | Hẻm Nguyễn Cảnh Chân |
Hẻm chùa Phật Ấn | 42, Đại lộ Cộng Hòa | Nguyễn Cảnh Chân nối dài | Hẻm chùa Phật Ấn |
Hẻm hãng Phân Ogliastro | 129, bến Vân Đồn | Ngọn rạch Cầu Chong | Hẻm 129 bến Vân Đồn |
Hẻm trường học Khánh Hội | Trịnh Minh Thế | Tôn Thất Thuyết | Nguyễn Thần Hiến |
Hẻm kho 4 | - | - | Đường Xóm Chiếu |
Hẻm 26 | Tôn Đản | Trịnh Minh Thế | Đỗ Thành Nhân nối dài |
Hẻm không tên | 490, đường Phan Đình Phùng | 353 đường Phan Thanh Giản | Đường Vườn Chuối |
Hẻm không tên | Ranh Tây bắc cư xá Đô Thành | 385 đường Phan Thanh Giản | Đường cư xá Đô Thành |
Hẻm không tên | 612 đường Phan Đình Phùng | 479 đường Phan Thanh Giản | Đường Bàn Cờ |
Đường làng (thông lộ chợ Phú Thọ) | Lê Đại Hành | Nghĩa địa Quảng Đông | Lãnh Binh Thăng |
Đường vòng xây ngoài | - | Trần Quốc Toản | Tôn Thất Hiệp |
Đường Phú Thọ - đường vòng quanh trong + hẻm cảnh sát | - | - | Công chúa Ngọc Hân |
Đường hồ nước – công trường chợ Phú Thọ - đường giếng Layne | Tôn Thất Hiệp | Tôn Thất Hiệp | Tuệ Tĩnh |
Đường Bình Thới | Place du Marché | Dương Công Trừng | Huyện Toại |
Quân lộ số 10 | Lê Đại Hành | Hương lộ số 14 | Đường Bình Thới |
Đường số 21 | J.J. Rousseau | Trần Quốc Toản | Nguyễn Tiểu La |
Đường số 7 kép | Bến Hàm Tử | Trần Hưng Đạo | Nhiêu Tâm |
Đường số 6 kép | Đường 7 kép | Bùi Hữu Nghĩa | Chiêu Anh Các |
Đường số 10 | Bến Hàm Tử | Đường An Bình | Đào Tấn |
Đường không tên | B.Phạm Thế Hiển | Trại tế bần | Tế Bần |
Đường 14 thông ngang | Bến Bình Đông | Tuy Lý Vương | Mặc Vân |
Bến Lò Gốm a) | Lê Quang Liêm | Đầu rạch ông Buông | Bến Lò Gốm |
Bến Lò Gốm b) + Trương Tấn Bửu | Phạm Đình Hổ | - | Bến Trương Tấn Bửu nối dài |
Đường không tên | Lê Đại Hành | Đường Hồ nước | Lê Tung |
Đường không tên | Đường Phú Thọ | Đường vòng quanh ngoài | Tổng Lung |
Đường không tên | Đ.Phạm Thế Hiển | Sở Rác | Đường Sở Rác |
Allée des Nord-Vietnamiens | Place du Marché | Dương Công Trừng | Bắc Việt |
Đường quân sự số 8 | Đường Phú Thọ | Đường làng số 3 | Đặng Nguyên Cẩn |
Đường Capitaine Faucon | Cuối đường Trương Tấn Bửu (Gia Định) | Rạch Bùng Binh | Trần Quang Diệu |
Hẻm Ngô Quyền | Bến Hàm Tử | Hẻm Tản Đà | Hẻm Hàm Tử |
