BẢN ĐỒ PHÂN BỐ MỨC ĐỘ ĐÔ THỊ HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (1996-1997)
Đây là bản đồ thể hiện mức độ mức độ đô thị hóa của Thành phố Hồ Chí Minh những năm 1996-1997. Về mặt đô thị hóa trong lịch sử, ở giai đoạn Nam Kỳ thuộc Pháp, các trung tâm lớn của tỉnh Gia Định được chính thức nâng lên làm trung tâm đô thị theo nghị định ngày 29/12/1939 của Chánh Tham biện tỉnh Gia Định.[1] Theo đó, nâng các làng Bình Hòa Xã, Phú Nhuận, Hanh Thông Xã, Thạnh Mỹ An, Hanh Thông Tây, An Nhơn Xã, Chí Hòa, Phú Thọ và Tân Sơn Nhứt thành trung tâm đô thị (centres urbains). Đến giai đoạn sau năm 1975, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thiết lập thêm các đô thị nhỏ thuộc địa giới thành phố. Ngày 23/3/1977, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 55-BT về việc thành lập thị trấn Hóc Môn thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 67-HĐBT về việc phân vạch địa giới thị trấn An Lạc thuộc huyện Bình Chánh và một số xã, phường thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 01/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25-HĐBT về việc thành lập thị trấn huyện lỵ huyện Củ Chi thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1992, huyện Duyên Hải đổi thành huyện Cần Giờ theo Quyết định số 405-HĐBT ngày 18/12/1992 của Hội đồng Bộ trưởng.[2]
Giai đoạn này, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lập đề án quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố. Đề án được phê duyệt theo Quyết định số 20/TTG ngày 16/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ.[3] Nội dung phê duyệt với các vấn đề cụ thể:
- Về quy mô dân số: Chủ động và thực hiện các biện pháp khống chế để đến năm 2010 tổng số dân của thành phố không quá 5 triệu người. - Về hướng phát triển không gian đô thị: Hướng phát triển chủ yếu về phía Thủ Đức đến giáp giới Dĩ An - Biên Hoà và các hướng phụ về phía Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng hướng phát triển trung tâm thành phố qua Thủ Thiêm cần được cân nhắc cụ thể về điều kiện đất đai, hạ tầng kỹ thuật, môi trường; nghiên cứu để có phương án đảm bảo an toàn về quốc phòng trong điều kiện thành phố có hai sông lớn bao ở bên ngoài là sông Sài Gòn và Đồng Nai. - Về bố trí dân cư và sử dụng đất: Chỉ tiêu sử dụng đất đai bình quân 50 - 60 m2/người cần được tính toán, sử dụng tiết kiệm bằng các giải pháp nâng tỷ lệ như nhiều tầng, bố trí mật độ xây dựng hợp lý, dành thêm tỷ lệ đất thích hợp để trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường đô thị. Xoá dần những khu nhà ổ chuột trong thành phố. - Về bố trí sản xuất công nghiệp: Soát xét kỹ lại các phương án bố trí sản xuất công nghiệp ; xem xét, giãn bớt các cơ sở công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, hóa chất về các thành phố và địa phương khác trong vùng, hạn chế việc tăng dân số và lao động của thành phố, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị và nâng cao hiệu quả sản xuất. - Về hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng các cơ sở hạ tầng không gây cản trở đến sự phát triển tiếp tục của thành phố; sớm có luận chứng cụ thể cho từng loại công trình, có phương án xử lý tổng thể mối quan hệ giữa cải tạo, mở rộng và xây dựng mới. Nghiên cứu kỹ hơn việc dự kiến xây dựng thêm các cầu qua sông Sài Gòn, có tính đến việc đảm bảo an toàn khi có chiến tranh và bảo vệ, phát triển các bến cảng.
Đó là những điều kiện quan trọng để cùng với nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành nên những khu đô thị thuộc địa bàn thành phố. Bản đồ Phân bố mức độ đô thị hóa Thành phố Hồ Chí Minh (1996-1997) thể hiện mức độ đô thị hóa của Thành phố được chia làm 4 cấp độ.
Vùng đã đô thị hóa hay nội thành (màu lam đậm), gồm các quận: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 10, Quận 11 và Quận Phú Nhuận. Vùng đô thị hóa cao (vùng nhóm I, màu tím sọc thẳng), gồm: Phần lớn Quận Tân Bình, Quận Bình Thạnh, Quận Gò Vấp; một phần Quận 8, huyện Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Vùng đô thị mới (vùng nhóm II, màu đà sọc nghiêng), gồm: Phần còn lại Quận Tân Bình, Quận Bình Thạnh (bán đảo Thanh Đa); một phần Quận 8, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Thủ Đức và thị trấn Củ Chi; Vùng nông thôn (vùng nhóm III, màu lam lợt): Phần còn lại của Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn còn là nông thôn chưa được đô thị hóa.
Đây cũng là giai đoạn quan trọng để chính quyền thành phố quyết định thành lập các quận nội thành, dựa trên kết quả đô thị hóa của các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đó là một nỗ lực rất dài của chính quyền thành phố, trải dài qua nhiều chính thể và nhiều chương trình xây dựng phát triển đô thị.
