THÀNH PHỐ CHỢ LỚN NĂM 1877
Đây là bản đồ có tỷ lệ lớn, thể hiện rõ nhiều công trình xây dựng trong phạm vi đô thị Chợ Lớn và giới hạn thành phố Chợ Lớn năm 1877. Nguyên gốc đây chính là phố cổ Sài Gòn, nơi khu kiều dân người Hoa hình thành nên một cảng thị lớn và nổi danh từ sớm trong lịch sử. Địa danh Sài Gòn được xuất phát từ đây, với cây cầu Phố Sài Gòn[1] bắc qua kinh Xếp trên đường thiên lý phía nam. Nơi đây đã đón nhiều cộng đồng dân cư Hoa, Việt, Chăm, Khmer... đến xây dựng và phát triển thương mại. Đặc biệt, sau khi Nông Nại Đại Phố bị phá hủy năm 1776, Chợ Lớn trở thành một thương cảng quốc tế với nhiều thương thuyền đến từ Trung Hoa, Singapore, Xiêm La… Chợ Lớn cũng là nơi tọa lạc chùa Cây Mai, một ngôi cổ tự lừng danh đất Gia Định, nơi có nhóm Bạch Mai Thi Xã nổi tiếng.
Có lịch sử hình thành không quá lâu nhưng phố cổ Sài Gòn nhanh chóng trở thành một nơi đô hội lớn. Nhiều tuyến kinh rạch được khơi đào theo thời gian, kết nối Chợ Lớn với các đầu mối giao thương như đi về miền Tây và Tây Ninh qua ngả sông Bến Lức; về Gò Công, Mỹ Tho qua ngả rạch Ong Lớn; về Biên Hòa qua ngả Nhà Bè; về Thủ Dầu Một qua ngả sông Sài Gòn,… Chợ Lớn trở thành một thương cảng trung tâm, nơi các thương lái đổ về từ các trung tâm thương mại phía tây như Long Hồ, Mỹ Tho; các nguồn như Tuyên Uy, Quang Hóa, Băng Bột, Ba Can… Cho đến những năm cuối triều Nguyễn, thương cảng Sài Gòn đã hình thành một đô thị rộng lớn, với vùng lõi có diện tích lên đến hơn 8ha[2], là một trong những đô thị sầm uất nhất Nam Kỳ giai đoạn này.
Ngay khi cưỡng chiếm thành tỉnh Gia Định ngày 17/02/1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã chú ý đến phố cổ Sài Gòn sầm uất nằm phía tây nam phố Bến Nghé, vì nhận thấy một nguồn lợi khổng lồ từ một trung tâm thương mại lớn nhất Nam Kỳ. Liên quân sớm kiểm soát Bến Nghé và Sài Gòn. Chùa Cây Mai trở thành nơi đồn trú của quân Pháp, chùa Kiểng Phước (pagode des Chlochetons) là nơi kháng cự của quân Tây Ban Nha, cùng với miếu Hội đồng (pagode des Mare), chùa Khải Tường (Pagode avancée), hình thành Phòng tuyến các chùa (lignes des pagodes) nổi tiếng những năm 1860-1861. Trên rạch Bến Nghé kéo dài từ rạch Ruột Ngựa về sông Sài Gòn có các pháo hạm neo giữ khu vực. Nhận thấy tầm quan trọng cần phải phá hủy phòng tuyến này, đã có lúc quân Đại Nam do khâm phái Hoàng Văn Tuyển từ Gia Định tâu xin một số vấn đề.[3] Trong đó có đề xuất việc lập một rào chắn gỗ đá trên rạch Tàu Hủ tại khu vực thôn Tứ Xuân bờ nam và thôn Phú Hội bờ bắc (phía tây cầu Chữ Y ngày nay), nhằm cắt đứt đường di chuyển trên sông giữa chùa Cây Mai các căn cứ còn lại, nơi quân xâm lược đang trú đóng và kiểm soát Đại đồn Chí Hòa.
Theo Ville de Cholon 1877, thành phố Chợ Lớn có quy mô diện tích như lần quy hoạch năm 1874 là khoảng 2,60km2. Phần mở rộng chủ yếu vượt về phía tây bến Cambodge và đường Roses, phía nam vượt qua bờ nam rạch Chinois. Đây là giai đoạn đô thị Chợ Lớn phát triển rất nhanh về quy mô, mặc dù vậy phần đô thị chính chính vẫn nằm ở ranh giới đã xác định năm 1865. Nội dung chi tiết của bản đồ còn chứa đựng nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt là chi tiết các công trình xây dựng trong thành phố Chợ Lớn như nhà cửa, đình chùa, hội quán...
