Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – một trong bốn trung tâm lưu trữ quốc gia của Việt Nam, là đơn vị sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, được thành lập theo Quyết định số 252-BT ngày 29-11-1976 của Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng với tên gọi Kho Lưu trữ Trung ương II.
Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ sưu tầm, thu thập, bổ sung, chỉnh lý, bảo quản và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu, tư liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức trung ương và các cá nhân thời kỳ Phong kiến, Pháp thuộc; các cơ quan trung ương chính quyền Việt Nam Cộng hoà, các cơ quan, tổ chức của Mỹ ở Sài Gòn trước năm 1975; các cơ quan trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn từ Đồng Nai vào phía Nam.
Khái quát thành phần, nội dung tài liệu:
Trung tâm II đang quản lý khoảng 14.000 mét giá tài liệu lưu trữ, hình thành từ quá trình miệt mài thu gom tài liệu từ nhiều nơi trong các tỉnh, thành phía Nam của Tổ quốc từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Qua hơn 45 năm, với sự cần mẫn, lao động thầm lặng, tập thể cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã từng bước xử lý khoa học – kỹ thuật, để từ những “đống tài liệu” hình thành nên các hồ sơ, các phông tài liệu, để đưa ra khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu đất nước, công chúng và xã hội.
1. Sưu tập tài liệu Sổ bộ Hán Nôm có thời gian từ năm 1822 đến 1933 với 17 loại sổ, có thể kể như Đinh bộ, Điền bộ, Ngưu bộ, Thuyền bộ, Công nghệ bộ,… Nội dung phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở nông thôn Nam bộ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, gắn liền với 12/13 đời vua Nguyễn từ Minh Mạng đến Bảo Đại. Là những tài liệu có giá trị đối với việc nghiên cứu quá trình biến đổi xã hội, những đặc điểm của nông thôn và cơ cấu làng xã ở Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung – một vấn đề có vị trí quan trọng với quốc gia nông nghiệp như nước ta.
2. Khối tài liệu tiếng Pháp (1858-1945) với tổng số khoảng trên 4.000 mét, bao gồm tài liệu hành chính hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan tổ chức của chính quyền thực dân Pháp ở miền Nam Việt Nam từ 1858 đến 1945, như: Phủ Thổng đốc Nam Kỳ, Hội đồng Tư mật Nam Kỳ, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ, Sở Thương chánh Nam Kỳ, Tòa Đốc lý Sài Gòn; Văn phòng các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ,…
Nội dung phản ánh quá trình thực dân Pháp xâm lược, thiết lập chế độ hộ và thực hiện khai thác thuộc địa ở Nam kỳ; quá trình đấu tranh giành giải phóng dân tộc của Đảng và quân dân Nam kỳ; cuộc giao thoa, tiếp xúc văn hóa Đông – Tây ở Việt Nam trong thế kỷ 19, 20. Đặc biệt, có các tài liệu về hoạt động của các nhân vật tiêu biểu, các lãnh tụ cao cấp của Đảng, của cách mạng,… như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu,...
3. Thời kỳ chiến tranh cách mạng (1945 - 1975) gồm : Tài liệu thời kỳ chính quyền Quốc gia Việt Nam (1949-1954) với khoảng 300 mét giá; tài liệu của chính quyền Sài Gòn và các cơ quan của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975với hơn 7.000 mét. Đây là khối tài liệu tương đối đầy đủ, có thời gian từ năm 1945 cho đến năm 1975, phản ánh rõ nét quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; quá trình hoạt động của các chế độ tay sai thực dân, đế quốc và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam nói chung và quân dân miền Nam nói riêng.
4. Tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan trung ương Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đóng trên địa bàn phía Nam đất nước từ sau năm 1975 đến nay
5. Ngoài ra, Trung tâm còn quản lý khối tài liệu nghe – nhìn với hơn 100.000 tài liệu phim ảnh, hơn 200 giờ phát tài liệu ghi âm,… và các sưu tập tài liệu như: bản đồ (1860-1975) với khoảng 30.000 tấm…
Tài liệu lưu trữ đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tuyệt đại đa số là bản gốc, bản chính được ghi trên các loại chất liệu khác nhau, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, như: Pháp, Anh, Việt và viết bằng chữ Hán Nôm. Tài liệu có khối lượng lớn, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, phản ánh quá trình khẩn hoang lập làng ở vùng Nam bộ trong thời kỳ phong kiến dưới triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945); phản ánh quá trình xâm lược và đô hộ vùng đất phía Nam Tổ quốc của các thế lực thực dân đế quốc; và cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ, của dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm; cùng với quá trình phát triển của vùng đất Nam bộ trong hai thế kỷ 19, 20 và những giai đoạn về sau…. Không chỉ chứa đựng thông tin về các sự kiện lớn, nét văn hóa, đời sống sinh hoạt của nhân dân Nam bộ trong hơn 200 năm lịch sử. Tài liệu còn chứa đựng nhiều thông tin có giá trị về kiến trúc như các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; các công trình thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long; các công trình như bệnh viện, nhà hát, công sở,… là những thông tin giúp cho việc hoạch định chiến lược và thi công, phát triển cơ sở hạ tầng; hay thông tin về các lễ hội, các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian Nam bộ; các loại ngôn ngữ, phong tục tập quán của cộng đồng các cư dân ở Nam bộ;….
Có thể nói, đây là nguồn sử liệu quan trọng phục vụ cho nghiên cứu lịch sử và có giá trị đặc biệt đối với hoạt động thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như phục vụ lợi ích của nhân dân.